top of page
  • Writer's pictureHoa Le

KHI NGƯỜI LỚN BÙNG NỔ

Hôm qua có một bạn mang cô em gái 21 tuổi chậm phát triển đến muốn tôi giúp em điều chỉnh cảm xúc, vì em bạn ấy rất hay khóc và thường làm phiền mọi người trong gia đình. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi nghe nói “mỗi lần em con khóc mà mọi người dỗ thì em sẽ càng khóc lâu hơn, phải đánh thì em mới thôi khóc”. Khi tôi hỏi là những ngày sau đó em bạn ấy có đỡ khóc hơn thì câu trả lời là em ấy vẫn khóc nhiều như cũ.


Một nguyên tắc của can thiệp hành vi là nếu chúng ta dùng một phương pháp can thiệp để giảm hành vi, nhưng sau khi dùng nhiều lần mà hành vi đó không giảm đi thì cần chuyển sang phương pháp khác. Theo lời người chị là mọi người không thể chịu được cảnh bạn ấy khóc lóc, nó làm cho mọi người trong gia đình BÙNG NỔ.


Hãy hình dung một cô gái trẻ, suốt những năm tháng đi học chịu sự bắt nạt và kỳ thị của bạn bè vì học mỗi lớp mất hai ba năm và không đủ kỹ năng giao tiếp xã hội, ở nhà thì bố mẹ luôn bận công việc, chị và em cũng đều bận rộn với cuộc sống của riêng họ. Trước đây cô gái đó thích vẽ nhưng khi mọi người khiến việc vẽ trở thành nhiệm vụ của cô thì cô không còn thích nữa và bây giờ thời gian cô dành để chơi game là chính.


Tôi cứ nghĩ đến những người trẻ tuổi khuyết tật như cô gái này và tự hỏi, điều gì có thể đem lại cho họ niềm vui, tại sao cô ấy thích làm phiền mọi người trong gia đình, tại sao cô ấy hay khóc, có phải vì cô cảm thấy cô đơn?


Theo Stephen Porges, người sáng lập ra học thuyết Polyvagal Theory, thiếu kết nối sẽ làm cho người khuyết tật trở nên cô đơn, dẫn đến các phản ứng của hệ thần kinh giao cảm (chống trả hay chạy trốn) hoặc phản ứng của hệ thần kinh phó giao cảm dorsal (đóng băng), chính vì vậy rất nhiều người khuyết tật có các hành vi chống đối và cũng nhiều người có rối loạn trầm cảm.


Thêm vào đó, một khi cô gái ấy chứng kiến những người thân yêu nhất của mình bùng nổ thì làm sao họ có thể dạy cô ấy được cách điều chỉnh cảm xúc (kiểu HÃY LÀM NHƯ TÔI NÓI NHƯNG ĐỪNG HÀNH ĐỘNG GIỐNG TÔI vậy).


Càng nói chuyện với người chị, một cô gái đã đi du học nước ngoài về và rất thương em, muốn giúp đỡ em, thì tôi thấy hầu như cô chị hiểu hết những gì em cần từ mình và bố mẹ, cô hiểu nỗi cô đơn của em và sự cần thiết phải kiểm soát bản thân của mọi người xung quanh, nhưng dường như từ hiểu biết đến thực hiện được là một quãng đường dài và không dễ để có thể đi hết.


Đúng như vậy, kiểm soát hay điều chỉnh cảm xúc là một công việc khó nhất của mỗi con người bởi vì chúng ta hay bị những yếu tố bên ngoài kích thích, chúng ta căng thẳng vì đều có những nỗi sợ, những lo lắng về người thân. Khi một đứa con làm điều gì đó không như ý cha mẹ, ngay lập tức cha mẹ sẽ nghĩ: tương lai con sẽ ra sao nếu nó thế này, và đến khi mình chết đi ai sẽ lo cho con.


Những suy nghĩ này thường đến rất nhanh và chúng ta không thể kiểm soát được chúng cho tới khi chúng ta học cách dừng lại, thách thức chúng, cảm nhận được cơ thể của mình, thật sự nghe mình để thấy rằng : đây là căng thẳng của con, chứ không phải của mình, đó là cảm xúc của con, không phải cảm xúc của mình, và rằng chúng ta có thể bình tĩnh. Chỉ từ trạng thái bình tĩnh đó chúng ta mới có thể hỗ trợ được con.

“Nói chung, điều quan trọng bạn cần hiểu là khi bạn đáp lại cảm xúc mạnh của con bằng cảm xúc mạnh của mình, nhiều khả năng là bạn đang đổ thêm dầu vào lửa. Hãy làm ngược lại. Con bạn càng to tiếng, bạn càng nói nhỏ khi tương tác với con. Con bạn càng cứng nhắc, bạn càng linh hoạt hơn. Hãy đáp lại cáu giận bằng bình tĩnh. Hãy tin rằng đứa trẻ càng chống đối tức là nó đang càng cảm thấy bất lực. Nếu con bạn hành động quá nhanh hoặc mạnh, hãy phản ứng bằng cách hành động chậm lại và nhẹ nhàng. Hãy làm mẫu những gì bạn muốn con làm. Nếu trẻ không chú ý, hãy ngừng hành động của bạn lại cho tới khi trẻ chú ý. Đừng quát mắng, khuyên nhủ, hay dỗ ngọt, chỉ đơn giản là chậm lại, bình tĩnh lại, và nói nhẹ nhàng. Hãy đáp lại cảm xúc mạnh bằng sự bình tĩnh, làm mẫu những gì bạn muốn trẻ làm, và khen sự hợp tác của trẻ. Bạn sẽ thấy cả bạn và trẻ sẽ bình tĩnh nhanh hơn hẳn. Công nhận cảm xúc của trẻ, BÌNH TĨNH, VÀ CÀNG YÊN LẶNG CÀNG TỐT” - Bill Nason, Autism Discusion Page.

Hoa Le

15 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page