Hãy tưởng tượng khi con bạn mới chào đời, bạn nâng niu thiên thần nhỏ trên tay và tự nói với mình rằng dù bất kỳ điều gì xảy ra thì mình sẽ yêu con vô điều kiện đến lúc mình nhắm mắt xuôi tay.
Nhưng cuộc sống thường không diễn ra như chúng ta dự định, và mỗi đứa con của bạn sẽ lớn lên khác nhau, mặc dù cùng trong một gia đình, chúng sẽ phát triển theo những hướng khác nhau, đi những con đường khác nhau, chính điều đó cũng được quyết định một phần bởi trí tuệ của bạn, sự giáo dục của bạn, và những niềm tin của bạn vào từng đứa con của mình.
Và khi các con của bạn đã lớn hẳn, có sự nghiệp và gia đình riêng của mình, bạn đã già, bạn bắt đầu có những suy nghĩ cứng nhắc, đóng khung cho từng đứa con: đứa này tốt đứa kia không tốt, đứa này thành đạt, đứa kia không giỏi, đứa này có hiếu đứa kia bất hiếu.... Thường những đứa con mà bạn cho là bất hiếu đó sẽ là những đứa con không đạt được những kỳ vọng của bạn.
Đã bao giờ bạn tự hỏi nguyên nhân sâu xa của sự bất hiếu đó là gì chưa? Hay bạn chỉ cho rằng điều hiển nhiên là con cái phải biết làm hài lòng cha mẹ vì được cha mẹ sinh ra, và những gì xảy ra với con hoàn toàn không phải là trách nhiệm của bạn. Và bạn quyết định rằng nó không còn xứng đáng được yêu thương nữa và mình sẽ quên nó đi. Bạn nghĩ rằng bạn đã quên nó.
Cho đến một ngày, một ai đó hỏi về đứa con “không bất hiếu” của bạn, nhưng bạn lại tưởng rằng người ta hỏi về đứa con bất hiếu đó, và ngay lập tức bạn nói “tôi đã quên nó rồi, đừng bao giờ nhắc đến nó nữa”.
Đó là điều đã xảy ra khi tôi nói chuyện với một người cha. Nếu thật sự ông đã quên, thì tại sao khi tôi nhắc tên của một đứa con khác ông lại nghĩ ngay đến đứa con đó.
Tôi tin rằng chúng ta không bao giờ có thể quên được những đứa con mình đẻ ra, bất kể những suy nghĩ của chúng ta về đứa con đó như thế nào, Và điều ngược lại cũng đúng, con cái không bao giờ có thể bỏ được cha mẹ của mình. Câu chuyện như của người cha trên đây xảy ra với rất rất nhiều các gia đình không chỉ ở Việt Nam mà toàn cầu, có vẻ như càng muốn yêu thương chăm lo cho nhau thì cha mẹ và con cái đang càng làm khổ nhau.
Vấn đề là những oán trách của bạn về con đang làm cản trở con trong mọi mặt của cuộc sống của nó, làm cho con bạn sẽ càng trở nên “bất hiếu hơn” vì chính sự đau khổ của bạn có vẻ như do con "gây ra" đó đang làm cho con mất phước đức. Thêm vào đó, năng lượng tiêu cực của sự oán giận cũng sẽ thu hút những điều tiêu cực đến với bản thân bạn, tức là bạn đang là nạn nhân của nó.
Ai sinh ra cũng có cha mẹ, nếu bạn cũng đang là cha mẹ và bạn đang gặp phải những thách thức trong các mối quan hệ với cha mẹ hoặc con của mình, có thể những ngày cuối năm này là thời điểm bạn nên xem xét việc buông bỏ những oán trách của mình. Điều này đồng nghĩa với việc bạn tha thứ cho những gì con hoặc cha mẹ đã làm với bạn. Nhưng bạn đừng nghĩ đến việc họ có đáng tha thứ hay bạn có đang tha thứ cho họ hay không, bạn BUÔNG BỎ ĐỂ CÓ SỰ BÌNH AN CHO CHÍNH MÌNH.
Bạn có thể bắt đầu ngay bây giờ bằng việc TRÂN TRỌNG BIẾT ƠN con đã đến với cuộc đời mình để giúp mình trưởng thành cũng như TRÂN TRỌNG BIẾT ƠN cha mẹ đã sinh ra mình.
Hoa Le
Comments