“CẢM GIÁC AN TOÀN CHÍNH LÀ ĐIỀU TRỊ” – Stephen Porges, người sáng lập học thuyết thần kinh đa phế vị (Polyvagal Theory), học thuyết được ứng dụng vô cùng rộng rãi trong trị liệu các rối loạn tâm thần trên khắp thế giới nhiều thập kỷ qua.
Một người bạn có con tự kỷ lớn vừa gọi điện cho tôi hỏi tại sao con chị có thể chơi đàn piano và hát (hai hoạt động con làm rất tốt và rất yêu thích) cho mọi người nghe bình thường, nhưng lại bỏ chạy ra ngoài và bịt tai trong đêm nhạc giáng sinh ở trường, nơi con vẫn sinh hoạt mỗi ngày.
Tôi ngưỡng mộ bạn mình lắm, chị là một trong những người đầu tiên của thế hệ cha mẹ có con tự kỷ ở Việt Nam, những người đã thử hầu hết các phương pháp can thiệp cho con, trong đó có cả việc mời những chuyên gia từ nước ngoài về can thiệp y sinh, trị liệu hoạt động, các phương pháp can thiệp theo hướng hành vi, phát triển, chị đã từng lập những lớp học cho con và các bạn tự kỷ khác cùng sinh hoạt và cùng học kỹ năng sống. Chị đã và đang đồng hành cùng con mỗi ngày trong suốt mười mấy năm qua.
Theo hiểu biết của tôi, việc con chị bịt tai chạy là ngoài có thể là triệu chứng của rối loạn xử lý âm thanh, và điều này xảy ra hay không xảy ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau trong môi trường/bối cảnh ở thời điểm đó. Có thể con đang bị quá tải vì những âm thanh quá lớn, nhưng cũng có thể những hoạt động và những người xung quanh đang đem đến cho con những cảm giác KHÔNG AN TOÀN.
Trong sách của những người tự kỷ viết về các trải nghiệm thời nhỏ, hầu hết họ đều nói rằng thế giới là một nơi thiếu an toàn đối với họ, rằng họ không biết được những gì sắp xảy ra với mình. Chính vì thế bạn sẽ thấy trẻ tự kỷ có nhu cầu cần kiểm soát mọi thứ và rất cứng nhắc. Con của bạn tôi có thể kiểm soát được việc bạn ấy hát và chơi đàn, trong khi bạn ấy không thể biết trước được những gì sẽ xảy ra trong đêm nhạc giáng sinh đó.
Cũng có một số người tự kỷ nói rằng họ dùng chính những mối quan tâm hay sở thích của mình để cố gắng quên đi (block out) những kích thích giác quan làm cho họ quá tải, như một cách đối phó, và điều đó cũng có thể giải thích tại sao con của chị lại thích chơi đàn và hát trước mọi người.
Nếu bạn có những thắc mắc giống như bạn của tôi, hãy làm tất cả những gì bạn có thể để tìm ra và thay đổi những yếu tố làm con mất an toàn, những yếu tố đó thường sẽ đến từ một (hoặc hơn) trong bốn yếu tố sau đây:
cơ thể (sức khỏe thể chất và tinh thần của con),
môi trường (các kích thích giác quan),
cách người khác tiếp cận con (nhẹ nhàng hay to tiếng...) và cuối cùng là
trạng thái tinh thần của những người ở bên con (thoải mái hay căng thẳng, vui vẻ hay giận dữ...).
Hãy nhớ rằng, ĐIỀU ĐẦU TIÊN TRẺ TỰ KỶ CẦN chính là CẢM GIÁC AN TOÀN!
Hoa Le
Comments