top of page
Writer's pictureHoa Le

CAN THIỆP TỰ KỶ

Theo định nghĩa của tổ chức từ thiện “Nghiên cứu Tự kỷ”: “Can thiệp là bất kỳ những gì bạn làm với người tự kỷ với mục đích là giúp được họ”. Tức là việc chúng ta lắng nghe người tự kỷ là can thiệp, hoặc ba mươi giờ can thiệp cá nhân một tuần cũng vậy.

Tuy nhiên cái gì định nghĩa việc can thiệp thành công lại là một câu hỏi phức tạp hơn rất nhiều. Nó phụ thuộc vào đứa trẻ và cách bạn đo lường sự thành công.


Câu hỏi tiếp theo là làm sao mà bạn biết cách can thiệp nào là đúng. Đây là một câu hỏi đặc biệt khó đối với các phụ huynh. Rất nhiều các hành vi của trẻ tự kỉ có liên quan đến sự căng thẳng và lo lắng. Và cũng rất nhiều chương trình can thiệp chỉ tập trung vào giảm thiểu các hành vi đó trong khi thật sự những gì cần làm là loại bỏ những gì mang đến cho trẻ những căng thẳng hoặc lo lắng đó.


Và biết được khi nào nên can thiệp và khi nào thì để cho đứa trẻ được làm điều nó muốn cũng làm cho nhiều cha mẹ bối rối. Bạn nên ép con mình đến đâu, cho dù đó là việc yêu cầu con phải làm bài tập, tập đàn hay dọn phòng? Một số cha mẹ thì dùng kỷ luật, kiểu “yêu cho roi cho vọt”. Những người khác thì lại không vội vàng gì và không hề ép con. Đó là những quan điểm làm cha mẹ khác nhau và trong trường hợp của trẻ tự kỷ thì chúng sẽ được phóng đại lên nhiều lần.


Một chương trình can thiệp có thể rất tuyệt vời. Và có một số chương trình khác, đặc biệt là các chương trình cố biến trẻ tự kỉ thành người bình thường, có thể sẽ gây hại.

Tôi không muốn nói đến các chương trình có bằng chứng khoa học hay không có bằng chứng, khoa học luôn phát triển và có thể thay đổi, cũng như mọi thứ xung quanh chúng ta, những chương trình hiện tại được coi là “có bằng chứng khoa học” bản thân chúng đã “chưa có bằng chứng” trong một thời gian dài trước đó, và biết đâu chính những bằng chứng này sẽ không còn giá trị nữa trong thời gian 5 hay 10 năm tới, khi chúng ta có những bằng chứng ngược lại.


Thế cách can thiệp tốt nhất là gì?


Theo Bernard Fleming của tổ chức “Nghiên cứu Tự kỉ”:

“Cách can thiệp tốt nhất nhất là lắng nghe người ở trước mặt bạn và xem họ đang nói gì, kể cả những người không nói được. Hãy tìm hiểu về họ, điều đó giúp cho bạn có ý tưởng tốt hơn về việc sẽ hỗ trợ họ như thế nào. Những người bình thường luôn luôn cho rằng họ cần sửa người tự kỷ, điều này có thể sẽ loại bỏ cơ hội cho những người tự kỉ cất lên tiếng nói của mình”

Virginia Bovell, một người mẹ tự kỷ và là người sáng lập tổ chức từ thiện “Các tham vọng cho tự kỷ”, đồng thời là thành viên của nhóm sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Tự kỷ và Giáo Dục, cho rằng:


“Thành công là ở việc thúc đẩy giao tiếp, hiểu biết lẫn nhau và thích ứng với nhau… Nếu người tự kỷ cần phải thay đổi hành vi của mình, thì người bình thường cũng cần phải thay đổi hành vi của họ. Trong khi người bình thường là số đông thì cũng không có nghĩa là quan điểm của họ sẽ áp đảo trong mọi lĩnh vực. Vì vậy, thành công của can thiệp không có nghĩa là bắt một người tự kỷ phải hành động như là họ không tự kỷ”.


“Can thiệp cần phải là một quá trình hai chiều, bạn phải thay đổi cách làm cha mẹ của bạn để tạo điều kiện cho con bạn, thay bằng chỉ trẻ phải làm việc. Gặp nhau ở điểm giữa có nghĩa rằng mỗi người trong số bạn sẽ chỉ phải đi nửa quãng đường.”- Jessie Hewitson, tác giả cuốn sách “Làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ tự kỉ hạnh phúc”

Hoa Le

37 views0 comments

Recent Posts

See All

댓글


bottom of page