top of page
  • Writer's pictureHoa Le

“CÁ BIỆT” HAY “LẬP DỊ”

Tôi thích tất cả những gì liên quan đến giáo dục, trong thời gian các con tôi đi học từ lúc chúng 20 tháng tuổi đến hết cấp 2, tôi hầu như ngày nào cũng có mặt ở trường, ngoài việc đưa đón con, tôi luôn xung phong tham gia giúp đỡ trong lớp, không bỏ qua các chuyến ngoại khoá nào có yêu cầu phụ huynh đi kèm, tham gia các hoạt động hội phụ huynh…


Hồi đó tôi rất ít thấy những đứa trẻ đặc biệt, cả khối của các con tôi có khi chỉ có khoảng 1 đến 2 bạn hơi khác các bạn khác mà hay được gọi là “cá biệt” hoặc “lập dị”. Nhưng trong những năm gần đây khi vào các trường học tư vấn, tôi nhận thấy mỗi lớp học đều có ít nhất một đến hai bạn như vậy.


Những bạn “cá biệt” thường hay gây sự với bạn khi không hài lòng hoặc ít nghe lời thầy cô, học thì mất tập trung, hay rời khỏi chỗ ngồi khi chưa được phép hoặc ngồi nhưng luôn ngọ nguậy, hay ngắt lời thầy cô, bây giờ khi tôi được học về các rối loạn phát triển và gặp gỡ rất nhiều các bạn nhỏ có các triệu chứng như vậy, tôi mới biết phần lớn các bạn đó có rối loạn tăng động giảm chú ý. Tức là những hành vi đó của các bạn không hề cố ý và khi giáo viên (và kể cả cha mẹ) không hiểu về rối loạn này thì cho rằng đó là những bạn lười học và hay chống đối.


Những bạn “lập dị” thường hay ngồi một mình trong giờ ăn trưa hoặc lên thư viện vào giờ ra chơi, tránh đám đông, thường không nói chuyện với các bạn khác, có những sở thích khác các bạn và có thể rất giỏi về một môn nào đó. Và bây giờ thì tôi cũng biết rằng nhiều khả năng là các bạn này có rối loạn tự kỷ chức năng cao và rất khó kết bạn.


Những bạn ở hai dạng này đều là những bạn dễ bị bắt nạt trong trường học, theo tôi bởi vì sự khác biệt của các bạn ấy chưa được hiểu và chấp nhận. Và thực sự tôi thấy các giáo viên và cha mẹ liên quan đều rất bối rối và căng thẳng.


Ross Greene, một tiến sĩ tâm lý, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về giáo dục, trong cuốn “Lost at School” (tạm dịch là "Lạc Lối ở Trường"), đã viết :

“Một nửa giáo viên bỏ nghề trong bốn năm đầu đi dạy học, và trẻ có các hành vi thách thức và cha mẹ chúng chính là một trong các lý do cơ bản. Cha mẹ thì biết là con gặp rắc rối ở trường, biết rằng bản thân họ bị trách, cảm thấy con mình bị hiểu lầm và không được đối xử công bằng, nhưng không đủ sức để làm cho mọi việc tốt hơn, họ thường cảm thấy không được động viên và giúp đỡ khi làm việc với các nhân viên của trường”

Và:

“Tôi đã gặp hàng trăm trẻ có các thách thức mỗi năm. Những đứa trẻ này KHÔNG MUỐN GÌ HƠN là có thể đáp ứng được các đòi hỏi về mặt xã hội, cảm xúc, nhận thức và hành vi đối với chúng ở trường cũng như ở nhà, nhưng có vẻ như chúng KHÔNG LÀM NỔI điều đó. Rất nhiều trẻ gặp rắc rối trong một thời gian dài và chúng đã mất lòng tin rằng có một ngừoi lớn nào đó có thể sẽ giúp được chúng”

Tôi cũng đã may mắn được gặp và làm việc với nhiều gia đình có con như vậy, đều là những bạn nhỏ thông minh và đáng yêu. Chỉ cách đây vài ngày tôi gặp một bạn nhỏ 6 tuổi, mẹ bạn ấy nói rằng các chuyên gia người thì nói con em tự kỷ, người thì bảo bé tăng động và mới nhất là một bác sĩ nói bé bị rối loạn hành vi chống đối. Sau khi bé vào phòng chơi được một lúc, xem bé chơi tôi chẳng thấy bé có biểu hiện gì mấy triệu chứng của các rối loạn mà mẹ bé đã đề cập đến, ngoại trừ bé có vẻ nói tương đối nhiều, nhưng nói rất vui vẻ thoải mái. Có thể vì bé cảm thấy tin tưởng người chơi với bé.


Theo tôi điều chúng ta cần làm là HIỂU VÀ CHẤP NHẬN SỰ KHÁC BIỆT, tạo điều kiện để các bạn nhỏ này lấy lại được niềm tin từ tất cả chúng ta, rằng các bạn ấy có khả năng học tập và kết bạn ở trường, rằng người lớn luôn yêu thương và giúp đỡ mình.


“Trẻ sẽ làm tốt nếu chúng có thể, nếu chúng không thể, người lớn chúng ta cần tìm xem cái gì cản trở chúng, để giúp chúng” – Ross Greene

Hoa Le

11 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page