top of page
Writer's pictureHoa Le

CÁC VẤN ĐỀ THỊ GIÁC VÀ TỰ KỶ

Chỉ cách đây khoảng 4 năm thôi, tôi vẫn chưa biết gì về các vấn đề thị giác ở trẻ tự kỷ.


Tôi may mắn được đồng hành cùng bé T trong nhiều năm, phần lớn là theo cách can thiệp phân tích hành vi, bé rất hay nheo mắt hoặc nhìn nghiêng trong những buổi trị liệu với tôi, mỗi lần đi ngoài hành lang bé đều đi sát vào tường, bé thích xé những mảnh giấy nhỏ li ti và còn có nhiều hành vi kỳ lạ khác nữa.


Khi bạn được dạy bởi một phương pháp được cho là “chính thống”, rằng các hành vi bất thường của trẻ tự kỷ xảy ra là vì chúng tự kỷ, thì bạn có xu hướng chấp nhận chúng mà không nghi ngờ gì, và tôi cũng đã là một nhà trị liệu “ignorant/thiếu hiểu biết” như vậy trong nhiều năm.


Một ngày mẹ của T báo cho tôi biết là con cận 5-6 độ và phải đeo kính, tôi đã ngạc nhiên lắm, và vẫn chưa nhận ra tầm quan trọng của nó với các hành vi tự kỷ của con, mặc dù lúc đó tôi đã tham gia ít nhất 3 khóa học về rối loạn xử lý cảm giác và cũng lờ mờ hiểu về các vấn đề thị giác ở trẻ tự kỷ.


Đến khi Tiến Sĩ Marlo Thurman, Chủ Tịch Hiệp hội Tự kỷ Mỹ giảng cho các phụ huynh Việt nam về rối loạn xử lý cảm giác và đặc biệt là mua được cuốn sách “Outsmarting Autism” của Patricia Lemer, tôi mới hiểu được trẻ tự kỷ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề thị giác nhiều như thế nào. Cận thị chỉ là một trong rất rất nhiều vấn đề thị giác mà trẻ tự kỷ gặp phải.


Một điều thú vị tôi học được trong chương nói về thị giác của cuốn sách, đó chính là thiếu ô xy có thể ảnh hưởng đến chức năng thị giác ở trẻ tự kỷ. Theo bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng chuyên làm việc với trẻ tự kỷ, Kaplan, một tỷ lệ cao người tự kỷ có rối loạn thở, khả năng phối hợp thở và chuyển động của họ kém gây ra căng cơ và căng thẳng hệ thần kinh, dẫn đến suy giảm thị lực và não thường diễn giải vị trí của đồ vật sai so với vị trí thực của chúng. Khi đó bạn sẽ thấy trẻ không thể thổi nến trên bánh sinh nhật hay thổi bóng bay, trẻ hay ngáp hoặc thở dài để lấy ô xy, lắc lư đung đưa người để bù cho việc thiếu kiểm soát thần kinh tổng hợp của mắt, đầu và cơ thể, nín thở khi vận động, đọc, viết....Chính vì vậy việc dạy thở đúng cách có thể hỗ trợ rất tốt cho các chương trình trị liệu tự kỷ.


Ở trường học, nhiều khả năng những trẻ có khuyết tật học tập mà chúng ta vẫn thường cho là không nghe lời, mất tập trung hoặc động lực kém có thể có các vấn đề thị giác. Cuốn sách của bà Lemer cũng đề cập đến những thay đổi môi trường trong lớp học để giúp những đứa trẻ này.


“Giải quyết và điều chỉnh rối loạn chức năng thị giác vốn là nguyên nhân của rất nhiều vấn đề về học tập và hành vi, và là mắt xích còn thiếu trong quá trình chữa lành cho nhiều trẻ, đặc biệt là những trẻ tự kỷ chức năng cao” – Patricia Lemer

Hoa Le

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page