“Không một đứa trẻ nào sáng tỉnh dậy lại cố tình có một ngày căng thẳng hoặc cố làm khó cho cha mẹ” – tiến sĩ tâm lý Beurkens.
Người ta thường gán cho hành vi thách thức là hành vi chống đối, thách thức, điều khiển và tìm kiếm sự chú ý. Tuy nhiên, hành vi thách thức thường không nằm trong tầm kiểm soát của trẻ. Sẽ chính xác và hữu ích hơn nếu hiểu hành vi này như một dấu hiệu cho thấy trẻ không thể xử lý được những cảm xúc lớn của mình (ví dụ: tức giận, buồn bã, sợ hãi). Khi chúng cảm thấy quá tải, cảm xúc của chúng sẽ lấn át mọi thứ.
Khi trưởng thành, chúng ta có rất nhiều quyền tự do để làm bất cứ điều gì chúng ta muốn, bất cứ khi nào chúng ta muốn. Phần lớn chúng ta sẽ không bị bắt giữ khi không chịu đi làm và sẽ không ai tống chúng ta vào tù vì ăn bánh ngọt vào bữa sáng.
Thế thì, tại sao chúng ta vẫn đi làm? Tại sao chúng ta vẫn không ăn bánh ngọt vào bữa sáng?
Có lẽ câu hỏi hay hơn là, làm thế nào mà chúng ta không trốn tránh công việc khi chúng ta không muốn đi làm? Làm thế nào để chúng ta không ăn bánh ngọt vào bữa sáng và thay vào đó là ăn những thức ăn lành mạnh, ít ngon hơn?
Câu trả lời là khả năng tự điều chỉnh.
Tự điều chỉnh là khả năng giữ bình tĩnh, đối phó với những cảm xúc mạnh, thích nghi và phản ứng phù hợp với môi trường. Tự điều chỉnh rất quan trọng vì nó cho phép trẻ học tốt ở trường, với bạn bè và ở nhà. Nó giúp trẻ cảm thấy hài lòng về những gì chúng có thể xử lý và nó giúp trẻ cảm thấy tự tin vào bản thân.
Tự điều chỉnh được cho là nền tảng của hạnh phúc của con người, bao gồm các thành tựu trong giáo dục và thể chất, cảm xúc, xã hội và kinh tế. Tự điều chỉnh được định nghĩa như là khả năng quản lý suy nghĩ cảm xúc của một người để có các hành động đúng mục tiêu và bao gồm các hành vi cần thiết để thành công ở trường học, các mối quan hệ và trong công việc.
Tự điều chỉnh nghe có vẻ như là một công việc của một người nhưng thực ra nó lại chỉ có thể phát triển qua tương tác với những người chăm sóc như cha mẹ, giáo viên, các người chăm sóc trẻ...và thêm nữa, khả năng tự điều chỉnh phụ thuộc vào môi trường ổn định, đáp ứng tốt với trẻ và hỗ trợ trẻ. Quá trình hỗ trợ giữa những người lớn chăm sóc và giúp trẻ nuôi dưỡng khả năng tự điều chỉnh là “cùng điều chỉnh”.
Bạn hãy nhìn vào mô hình lý thuyết về sự cân bằng giữa năng lực điều chỉnh của trẻ và nhu cầu cần được cùng điều chỉnh với người lớn. Đây chỉ đơn thuần là một mô tả về sự tăng trưởng tiêu chuẩn trong năng lực điều chỉnh; tỷ lệ chính xác sẽ thay đổi theo từng cá nhân và tình huống. Nhìn vào biểu đồ này, chúng ta thấy để hoạt động tối ưu trong thời điểm hiện tại, trẻ cần được lấp đầy “cái giỏ” tự điều chỉnh của mình. Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển, hoàn cảnh môi trường và sự khác biệt của cá nhân, bản thân trẻ có khả năng lấp đầy giỏ tự điều chỉnh của chúng ở các mức độ khác nhau. Để điều chỉnh thành công suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình, chúng cần người chăm sóc cung cấp sự cùng điều chỉnh để lấp đầy phần còn lại của cái giỏ.
Trong phạm vi hạn chế về kỹ năng của trẻ hoặc sự hỗ trợ của người chăm sóc, “giỏ điều chỉnh” có thể chỉ được lấp đầy một phần, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc, nhận thức và hành vi của trẻ. Khi năng lực điều chỉnh liên tục bị thiếu hụt, những thách thức về chức năng sẽ xảy ra và có thể dẫn đến những khiếm khuyết về sức khỏe xã hội-tình cảm, hành vi hoặc thể chất đáng kể.
Tuy nhiên điều quan trọng là người chăm sóc hay cha mẹ sẽ chỉ có hiệu quả trong việc cùng điều chỉnh nếu họ có thể tự điều chỉnh thành công.
Hoa Le
Comments