Câu chuyện đầu tiên trong cuốn “The Element” tôi muốn kể lại với các bạn là về cô bé Gillian. Bạn có thể đọc bài viết trước của tôi về “The Element”.
Khi Gillian 8 tuổi, cô bé bắt đầu gặp các vấn đề ở trường, cô thường làm bài tập trễ, chữ viết rất xấu và điểm số thấp. Cô lại còn hay chọc phá các bạn trong lớp, lúc thì nói to, lúc thì nhìn ra cửa sổ. Nhưng cô chẳng quan tâm lắm đến các hành vi của mình, cô đã quen với việc bị mắng mỏ và không nghĩ mình là đứa trẻ cá biệt, cho tới lúc thầy hiệu trưởng gửi thư cho mẹ cô.
Thầy nói rằng cô chắc có vấn đề về phát triển và nên chuyển sang học ở trường dành cho trẻ đặc biệt. Đây là vào những năm 1930, nếu là thời nay người ta chắc chắn sẽ chẩn đoán cô có rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và cho uống Ritalin rồi. Tuy nhiên lúc đó chưa ai biết về ADHD.
Mẹ cô đưa cô đến gặp một chuyên gia tâm lý, trong lòng rất lo lắng, trong khi hỏi mẹ về các khó khăn của Gillian ở trường thì ông vẫn để mắt đến Gillian. Khi nói chuyện với mẹ cô xong, ông đến gần cô bé và nói “Gillian, con đã rất kiên nhẫn, bác cảm ơn con, nhưng con sẽ phải kiên nhẫn thêm một lúc nữa, bác cần nói chuyện riêng với mẹ, bác và mẹ sẽ đi ra ngoài, nhanh thôi”.
Trước khi ra, ông mở đài lên, và khi ra ngoài ông nói với mẹ “chúng ta đứng đây để xem Gillian sẽ làm gì nhé!”. Họ đứng nép vào một bên cửa sổ để cô bé không nhìn thấy họ, và hầu như ngay lập tức, Gillian đứng lên, chuyển động theo nhạc. Hai người lớn đứng im và xem vài phút, bất động trước sự duyên dáng của cô bé. Ai cũng có thể thấy được có cái gì đó rất tự nhiên - thậm chí là bẩm sinh trong các chuyển động của cô. Cũng như họ thấy được niềm hoan hỉ thể hiện trên nét mặt cô bé.
Cuối cùng, chuyên gia tâm lý bảo mẹ “Bà biết không, Gillian không bị bệnh gì cả, nó là một vũ công, hãy cho nó đi học nhảy”.
Mẹ đã làm theo lời khuyên của chuyên gia tâm lý này và sau này, khi Ken Robinson phỏng vấn Gillian, cô nói “tôi không thể nói hết được điều đó tuyệt vời thế nào, tôi bước vào căn phòng đó, toàn những người giống tôi, những người không thể ngồi yên, những người cần chuyển động để suy nghĩ”.
Cô bé bắt đầu đi học nhảy mỗi tuần và thực hành hàng ngày ở nhà, cuối cùng cô thử vai tại trường Ba Lê hoàng gia London, được nhận và cuối cùng cô đã vào làm tại ba lê Hoàng Gia, trở nên rất nổi tiếng và đi biểu diễn trên khắp thế giới. Sau khi thôi biểu diễn, cô mở công ty nhạc kịch riêng của mình và đã sản xuất hàng loạt các chương trình biểu diễn cực kỳ thành công tại London và New York.
Gillian cùng với Andrew Webber đã sáng tạo ra những vở ca kịch nổi tiếng nhất trong lịch sử, trong số đó có “Cats” và “The phantom of the opera”.
Theo Ken Robinson, điều này xảy ra bởi vì chuyên gia tâm lý đó đã nhìn sâu vào mắt cô bé, ông đã thấy những đứa trẻ giống như cô và đọc được các “element”, niềm đam mê sáng tạo của chúng.
Cô bé Gillian - một cô bé có tương lai nhiều rủi ro, đã trở thành một Gillian Lynne nổi tiếng, một vũ đạo thành công nhất thời đại mang đến niềm vui cho hàng triệu người.
Gillian không phải là đứa trẻ có vấn đề, không cần phải vào trường dành cho trẻ đặc biệt, cô chỉ cần được là chính cô.
Cảm ơn cuốn sách “The element”, cảm ơn ngài Ken Robinson với những đóng góp đầy giá trị của ông cho nền giáo dục thế giới, mong rằng một ngày nào đó ước nguyện của ông sẽ thành hiện thực, đi từ một nền giáo dục đang “giết chết sự sáng tạo của học sinh” chuyển sang giúp chúng tìm thấy và phát triển các “element” của mình.
Hoa Le
Comments