Ken Robinson là một người đam mê giáo dục được biết đến qua Ted Talk rất nổi tiếng: Trường học có đang giết chết sự sáng tạo?, ông mới qua đời vì ung thư cách đây hơn 1 tuần.
Tôi muốn nói đến cuốn sách “The element” (Tạm dịch là “nguyên tố”) của ông với ước nguyện thay đổi nền giáo dục thế giới qua các câu chuyện thật về những người đã sống bằng khả năng sáng tạo và đặc biệt đã thành công bằng chính đam mê của mình.
Có một cô giáo cấp 1 dạy vẽ cho một lớp học của những đứa trẻ 6 tuổi, trong đó có một cô bé luôn ngồi cuối lớp, ít quan tâm đến các giờ học khác ngoài giờ vẽ. Cô bé này hoàn toàn tập trung vào tờ giấy vẽ của mình làm cô giáo thấy tò mò, cô đến gần bé và hỏi bé đang vẽ gì, bé trả lời “con đang vẽ thượng đế”, cô ngạc nhiên hỏi “nhưng có ai biết thượng đế trông thế nào đâu? Bé trả lời “vài phút nữa mọi người sẽ biết ạ”.
Các bạn thấy bé tự tin vào trí tưởng tượng của mình không? Khi bạn hỏi trẻ nhỏ chúng có nghĩ mình sáng tạo không, hầu hết chúng đều giơ tay, nhưng nếu bạn hỏi sinh viên câu hỏi đó thì sẽ không ai giơ tay cả.
Một trong những yếu tố quan trọng của Trị liệu chơi dành cho trẻ đặc biệt chúng tôi đòi hỏi ở người lớn là sự sáng tạo, hầu như các cha mẹ khi đến với chúng tôi đều nói “tôi không sáng tạo, tôi không thể hát, nhảy múa, cổ vũ, ăn mừng , làm trò hề như các thầy cô ở đây được. Nhưng điều gì đã xảy ra sau một tuần hoặc một tháng, họ đều cho chúng tôi thấy họ có thể làm được, mỗi người theo một cách khác nhau, đơn giản bởi vì chúng ta ai cũng được sinh ra với những năng lực sáng tạo tự nhiên mà có vẻ như chúng ta đánh mất dần qua năm tháng.
Ken Robinson tin rằng mỗi đứa trẻ đều có một tài năng trong một lĩnh vực nào đó, và sự sáng tạo bẩm sinh đó cần được nuôi dưỡng để tạo nên những con người thành công.
Cuốn sách làm tôi nhớ về cậu bé Jacob Bannett, cậu bé tự kỷ lúc 2 tuổi được tiên lượng là “ sau này giỏi lắm là biết mặc áo” đã trở thành nhà vật lý nổi tiếng năm 13 tuổi, mẹ cậu nhận ra khả năng tính thể tích của các hộp đựng ngũ cốc ăn sáng từ khi cậu 2 tuổi và đam mê với các cuốn sách về các hệ thống đất đá và thời tiết, bà đã luôn tạo mọi điều kiện cho con được học và thực hành “element” của mình.
Ken Robinson định nghĩa “element” là Nơi Mà Những Gì Bạn Thích Được Làm và Những Gì Bạn Làm Tốt Gặp Nhau. Đó là một cách định nghĩa khác về tiềm năng của mỗi chúng ta.
Ông cho rằng những người rất thành đạt trong cuộc đời là những người tìm thấy những gì mình yêu thích và được thực hành chúng, tức là họ tìm được “element” của mình.
Tại sao nhiều người trong chúng ta lại không thể tìm được “Element” của mình? Lý do cơ bản nhất là hầu hết mọi người không có khái niệm về khả năng tự nhiên của mình. Chúng ta được sinh ra với sức mạnh kỳ diệu của trí tưởng tượng, trí thông minh, cảm giác, trực giác, tinh thần và các nhận biết về cơ thể và giác quan. Phần lớn chúng ta chỉ sử dụng chúng một phần, có nhiều người chẳng sử dụng tí nào.
Doanh nghiệp xã hội nhỏ bé của tôi chỉ có vài bạn trẻ, nhưng tôi cũng nhận thấy mỗi bạn có một đam mê khác nhau. Điều này thật tuyệt vời vì phụ huynh được học nhiều từ các hoạt động mang tính sáng tạo khác nhau trong phòng chơi cũng như các hiểu biết sâu sắc của từng người như dinh dưỡng, vận động, trò chơi, các mối quan hệ, tâm lý con người... tất cả đều cần thiết để giúp họ đồng hành với con.
Một điều tôi luôn ấp ủ ngoài việc giúp các bé đặc biệt kết nối được với thế giới của chúng ta để phát triển, là giúp cha mẹ các em tìm được “Element” cho con mình, vì tôi tin chắc rằng bên trong những đứa trẻ xinh xắn nhưng còn nhiều khó khăn kia là những đam mê và khả năng sáng tạo tiềm ẩn đang chờ chúng ta khai phá.
Hoa Le
Cô ơi, em thích bài viết này quá ạ. Bài tedtalk của Ken Robinson cũng là bài nói chuyện mà em vô cùng yêu thích. Cảm ơn cô.