top of page
  • Writer's pictureHoa Le

HIỂU TRẺ TRƯỚC KHI THAY ĐỔI

Updated: Dec 9, 2022

"Làm cha mẹ có khó không?"


Làm cha mẹ có khó không? Đã rất nhiều lần tôi cảm thấy ân hận vì những gì mình đã nói với con và trước mặt con, cách mình đối xử với con, vì mình đã không giữ được bình tĩnh khi ở bên con: đáng lẽ mình không nên đối xử với con như thế, đáng lẽ tối hôm đó mình không nên mắng con vì con bị điểm kém, đáng lẽ khi con muốn đá bóng thì không nên ép con phải tham gia đội bơi… và còn rất nhiều tình huống tôi đã nói không với con khi thật sự tôi đã không cần phải làm thế.


Người lớn chúng ta luôn bận rộn để thay đổi các hành vi của trẻ, có rất nhiều các chương trình dạy cha mẹ quản lý hành vi của trẻ, thường là khuyên cha mẹ dùng phần thưởng hay hình phạt: nếu con bị điểm kém thì sẽ không được xem TV một tuần, nếu con dọn phòng thì cuối tuần sẽ được đi chơi…


Điều gì sẽ xảy ra nếu trước khi thay đổi hành vi của trẻ, chúng ta hỏi “tại sao trẻ lại có hành vi đó, tại sao trẻ lại bị điểm kém hay tại sao con không chịu dọn phòng”. Các nhà trị liệu tâm lý, các nhà giáo dục đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để đưa ra một mô hình rất thú vị: hành vi của trẻ là một tảng băng.


Chúng ta thường tập trung vào những gì mình nhìn thấy, những hành vi của trẻ, bởi vì chúng ta không thích những hành vi đó, các hành vi đó làm cho chúng ta khó chịu, xấu hổ, thất vọng, giận dữ, sợ người khác phán xét, chính vì vậy chúng ta bị mắc kẹt ở phía trên của tảng băng. Nhưng các bạn thấy đấy, có cả một mảng rất lớn ở phía dưới mặt nước mà chúng ta không nhìn thấy nếu chúng ta chỉ đứng ở phía trên.


Các nhà nghiên cứu cho rằng, mỗi hành vi đều là một hình thức giao tiếp, đó không phải là thứ chúng ta cần tập trung vào, hành vi là các thông điệp cho chúng ta biết có một nhu cầu nào đó chưa được thoả mãn mà trẻ đang trải nghiệm, khi bạn hiểu điều đó, bạn sẽ chuyển từ vị trí từ một người kỷ luật trẻ sang một vị trí của một nhà thám tử để tìm ra xem cái gì đang diễn ra phía dưới tảng băng và nếu bạn có thể thoả mãn được những nhu cầu mà hành vi đó đang cố gắng cảnh báo cho bạn thì trong rất nhiều trường hợp, hành vi đó sẽ tự biến mất, bạn sẽ không cần phải phạt, doạ nạt hay làm bất cứ điều gì với con bởi vì không còn lý do cho hành vi đó phải xảy ra nữa.


Họ gọi đó là “positive parenting”, tạm dịch là “làm cha mẹ theo cách tích cực”, khi chúng ta chuyển từ kỷ luật sang hiểu và kết nối với con.


Danny Reade, một người tự kỷ và là CEO của Aspergerexperts.com đã nói "Mỗi hành vi của trẻ là một lời kêu gọi cần được giúp đỡ”.


Và Ross Greene, một nhà tâm lý mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, tác giả các cuốn sách “Lost at School”, “The Explosive Child”, “Lost and Found”, “Raising Human Beings” cho rằng “Trẻ sẽ làm tốt nếu chúng có thể, nếu chúng không thể, người lớn chúng ta cần tìm xem cái gì cản trở chúng, để giúp chúng”.


Hoa Le


75 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page