top of page

PAUL

Writer: Hoa LeHoa Le

Bạn có thể đọc câu chuyện thứ nhất về Gillian


Những năm 1960 Paul học cấp 3 ở “học viện Liverpool”, nhưng phần lớn thời gian cậu chẳng chú tâm gì vào việc học. Ở nhà cậu bỏ phần lớn thời gian vào việc nghe nhạc rock và học ghi-ta.


Paul luôn thích âm nhạc, nhưng chưa bao giờ thích các giờ học nhạc ở trường. Giáo viên của cậu muốn đem lại niềm yêu thích âm nhạc cho học sinh bằng cách bắt chúng nghe các tác phẩm nhạc cổ điển. Và Paul thấy chúng cũng chán như tất cả những môn học còn lại.


Cậu nói rằng suốt những năm học phổ thông không ai nhận ra cậu có tài năng âm nhạc, thậm chí dàn đồng ca của nhà thờ Liverpool còn từ chối không cho cậu tham gia và nói cậu hát không hay, thật nực cười vì chính dàn đồng ca đó cuối cùng đã cho biểu diễn hai tác phẩm kinh điển của cậu.


Khi cậu gặp John Lennon trong một bữa tiệc của trường, họ đã rất ấn tượng về nhau và cùng nhau lập ra một ban nhạc cùng với George Harrison và sau đó là Ringo Starr, bạn nhạc có tên là The Beatles. Thật là một ý tưởng tuyệt vời!


Đó chính là câu chuyện về huyền thoại âm nhạc Paul McCartney, và ông không phải là trường hợp duy nhất có tài năng bị bỏ qua ở trường. Elvis Presley cũng đã không được gia nhập câu lạc bộ âm nhạc của trường cấp 3 vì người ta nói giọng của cậu sẽ làm hỏng dàn đồng ca.


Theo Ken Robinson, một trong số những người ưu tú, sáng tạo nhất mà ông biết không phải là những học sinh giỏi. Rất nhiều trong số họ không phát hiện ra họ có thể làm được gì, và họ là ai - cho tới khi họ ra khỏi trường học!


Cũng có nhiều người tốt nghiệp hoặc bỏ học sớm, không chắc chắn về tài năng thực sự của mình và về hướng đi cho tương lai. Rất nhiều người cảm thấy những gì họ giỏi không được trường học coi trọng, và điều đáng lo ngại là quá nhiều người nghĩ rằng họ chẳng giỏi cái gì hết.


Thực ra không phải chỉ ở Việt Nam, hầu hết các nền giáo dục trên thế giới đều tập trung vào học vấn (academic), tất nhiên học vấn quan trọng, nhưng các trường học có xu hướng tập trung vào các kỹ năng phân tích và tư duy, đặc biệt là với chữ và số. Nhưng trí thông minh của con người còn có nhiều thứ hơn thế.


Người ta cũng chú trọng đến thứ bậc của các môn học: trên cùng là toán, khoa học và kỹ năng ngôn ngữ. Sau đó đến các môn khoa học xã hội. Dưới đáy là nghệ thuật. Trong nghệ thuật, lại có cấp bậc khác: nhạc và hội họa được đặt lên bậc cao hơn sân khấu và vũ đạo. Việt Nam thậm chí còn chẳng có mấy trường học dạy các môn học này.


Hệ thống giáo dục kiểu đại chúng (mass education) này được thiết kế để đáp ứng các quyền lợi kinh tế của thế kỷ 18 và 19, thời kỳ của cách mạng công nghiệp ở Mỹ và châu Âu. Các kỹ năng toán, khoa học và ngôn ngữ cần cho việc làm trong các nền kinh tế công nghiệp. Một ảnh hưởng lớn khác đến giáo dục là văn hoá trọng học vấn của các trường đại học, nó gạt qua một bên các hoạt động liên quan đến trái tim, cơ thể, các giác quan...


Rất ít các trường học trên thế giới dạy nhảy như là một môn học giống như toán. Trong khi chúng ta biết có rất nhiều học sinh chỉ tập trung tốt khi chúng được sử dụng cơ thể của mình. Gillian Lynne nói rằng từ khi phát hiện ra nhảy cô đã học tốt hơn tất cả các môn học. Thật không may, khi những đứa trẻ khác ngọ ngoạy trong lớp học quá nhiều, người ta cho chúng uống thuốc và bảo chúng phải ngồi yên.


Khả năng học vấn rất quan trọng, nhưng các cách tư duy khác cũng quan trọng không kém. Những học sinh tư duy bằng hình ảnh cũng có thể sẽ thích một số môn học nhưng chúng sẽ không bao giờ biết điều đó nếu các giáo viên chỉ dạy chúng bằng những cách không dùng hình ảnh.

“Chúng ta thật sự nên nghĩ lại quan điểm của mình về trí thông minh” - Ken Robinson.

Hoa Le

Comments


Đăng ký tại đây để nhận được bài viết mới nhất

Cảm ơn bạn đã đăng ký!

©2021 by Hoa Le​​

bottom of page