Câu hỏi cuối cùng trong bảng phỏng vấn cha mẹ của tôi luôn là: “Bạn nghĩ sao nếu sau nhiều năm can thiệp mà con bạn vẫn không hết tự kỷ hoặc vẫn không đạt được một số mục tiêu như học hoà nhập hoặc sống tự lập”. Chắc nhiều bạn sẽ nghĩ đó là một câu hỏi không bình thường. Khoa học vẫn nói rằng tự kỷ là một rối loạn cả đời, và nếu con không tiến bộ (không đi học hoà nhập được, không sống hoàn toàn tự lập được) thì can thiệp để làm gì?
Tôi đã gặp những người “đã tự kỷ” hoàn toàn không còn dấu hiệu gì nữa của tự kỷ hoặc những người tự kỷ đang có việc làm, đang sống tự lập hoặc có gia đình, cũng như đọc nhiều về những người như vậy. Tôi cho rằng sự thành công của họ phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của cha mẹ họ, những người cha mẹ không bao giờ bỏ cuộc, và điều lớn nhất họ làm được chính là chấp nhận và yêu thương cái “tự kỷ” của con mình.
Những đoạn hội thoại dưới đây được trích trong cuốn sách “The Miracle to believe in” (tạm dịch Điều kỳ diệu đáng tin) của Bear Kaufman, người đã cùng với vợ mình (Suzi) giúp con vượt qua tự kỷ. Cuốn sách này kể về hành trình họ đã giúp một gia đình Mexico với đứa con trai 6 tuổi Robertito như thế nào, Francesca và Roby là mẹ và bố của Robertino.
Tôi nhìn thẳng vào mắt Francesca, và hỏi:
- Bà sẽ cảm thấy thế nào nếu Robertito sẽ không bao giờ thay đổi, nếu như bé sẽ không thể làm được hơn những gì bé làm được ngày hôm nay.
- Điều đó sẽ thật khủng khiếp, ông không nghĩ thế à?
- Tôi nghĩ gì không quan trọng bằng việc bà nghĩ gì, tôi nói. Đây là con bà. Tại sao lại khủng khiếp đến thế?
- Đúng vậy, nhưng tại sao tất cả những gì bé không làm được làm cho bà buồn đến thế?
- Tôi muốn nó làm được nhiều hơn, bà nói, vừa nói vừa khóc
- Tôi hiểu điều đó, nhưng muốn nhiều hơn cho người chúng ta thương yêu khác với việc không vui vẻ vì không có được những mong muốn đó.
- Bà nói bà sợ hãi về tương lai, tại sao bà lại tin rằng, nếu cho tới nay, bé mới làm được rất ít hoặc thậm chí là không làm được gì, có nghĩa là bé sẽ luôn luôn như thế?
- Nhưng tôi vẫn buồn vì tình trạng của Robertito
- Bà sợ điều gì sẽ xảy ra nếu như bà không buồn vì tình trạng của Robertito?
- Nếu thế thì, có thể tôi sẽ không làm gì cho tình trạng đó cả.
- Bà nói rằng, vì buồn, nên bà sẽ muốn thay đổi tình trạng đó?
- Đúng thế, bà nói.
- Tại sao bà tin rằng bà cần phải buồn để theo đuổi những gì bà muốn?.
- Vâng, nếu con tôi ốm mà tôi không buồn, có vẻ như tôi không quan tâm đến nó.
- Được rồi, Suzi nói, để tôi nói lại tuyên bố của bà dưới dạng câu hỏi nhé. Nếu con bà ốm và bà không buồn, điều đó có nghĩa là bà không quan tâm đến nó?
- Tôi không biết, tôi không còn chắc nữa.
“Roby nói về nỗi sợ về tương lai, những lo lắng của ông về việc ai sẽ chăm sóc cho Robertito khi ông chết đi. Ông tin rằng nếu ông không sợ những điều đó, chắc ông sẽ không làm những gì ông đã có thể làm được. Khi tôi hỏi tại sao ông lại tin điều đó, ông trả lời ông không biết. Tôi hỏi ông sợ điều gì sẽ xảy ra nếu ông không còn tin như thế nữa. Ông lập tức cười …trên thực tế, ông nhận ra rằng sợ hãi về tương lai thật sự làm ông bị lệch hướng mất tập trung hoàn toàn vào những gì ông có thể làm bây giờ”.
Những gì con chúng ta không làm được ở thời điểm hiện tại không nói được điều gì về tương lai của chúng. Nhưng nếu chúng ta buồn và sợ hãi thì chúng ta mất đi nhiều năng lượng tích cực cần thiết để giúp con đạt được những gì chúng ta muốn cho con trong tương lai.
Tôi nhận thấy thời điểm cha mẹ chấp nhận và đặc biệt là yêu thương “tự kỷ” của con chính là lúc con hạnh phúc nhất và bắt đầu phát triển.
Hoa Le
Kommentare