top of page
  • Writer's pictureHoa Le

YÊU NGHỀ

Tôi nhớ khi mình mới bắt đầu thực hành trị liệu hành vi cách đây mười năm, cô giám sát của tôi nói là tuổi thọ trung bình của một người trị liệu hành vi (Behavior Therapist) ở Mỹ nói chung là 3 năm, tức là sau 3 năm thì hoặc chuyển nghề, hoặc học lên, thường là học tâm lý học, hoặc học để thành các nhà trợ lý phân tích hành vi (BCaBA) hoặc các nhà phân tích hành vi (BCBA). Tôi đã mất 3 năm học, thi, phải trả rất nhiều tiền, cộng với hơn 1000 giờ thực hành 1:1 với trẻ đặc biệt để trở thành một BCaBA, nhưng nếu lúc đó hiểu biết về trẻ đặc biệt của tôi được như bây giờ thì chắc tôi đã không chọn con đường này.


Hôm qua, khi tôi đang giúp bạn mình, một cô bạn còn trẻ, cực kỳ thông minh, tốt nghiệp trường đại học số một thế giới, làm gì cũng giỏi, đặc biệt sáng tạo và thành công với những dự án hiện tại của cô, nói với tôi “em ghét những công việc này”. Tôi hỏi em: “nếu công việc em ghét mà em làm tốt thế này thì không hiểu việc em yêu thích em sẽ làm thế nào nhỉ?”


Không biết có thống kê chính xác nào về số người được làm công việc mình thật sự yêu thích hay không, nhưng có lẽ không nhiều, và mặc dù trước đây tôi đã bỏ nhiều thời gian để làm những việc tôi không thích hoặc học những thứ mà tôi không sử dụng đến, tôi phải công nhận mình là một trong ít người có cái may mắn là đang hàng ngày được làm công việc mình yêu thích.


Các con tôi nói “mẹ thật kỳ lạ, chẳng có ai lại thích làm việc như mẹ”, nhưng tôi biết có những người khác cũng thích làm việc như tôi, ít nhất đó là những cộng sự thân yêu của tôi, các bạn trẻ mỗi ngày chơi với trẻ nhiều giờ, tập huấn phụ huynh, ghi dữ liệu, báo cáo, chuẩn bị phòng chơi, dọn dẹp đồ chơi, hàng ngày lên mạng để tìm hiểu nguyện vọng của các phụ huynh có con đặc biệt, hỗ trợ và an ủi họ, tìm mọi cách để giúp các phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn... Mỗi lần nghĩ đến lời cô giám sát của mình tôi lại lo là các bạn trẻ của tôi có thể không trụ được lâu, mặc dù việc chúng tôi làm không phải là trị liệu hành vi, nhưng mức độ vất vả của nghề thì không hề kém, ai làm việc với trẻ đặc biệt đều có thể hiểu điều này.


Tuy nhiên, không phải tất cả chúng tôi đều yêu quý công việc của mình ngay từ đầu, tôi cho rằng chính thái độ và các giá trị của cách tiếp cận với trẻ đặc biệt chúng tôi đang thực hiện hàng ngày và truyền đạt lại cho phụ huynh đã giúp chúng tôi nuôi dưỡng tình yêu đó. Chúng tôi khuyên cha mẹ nên tập trung vào những gì con đã và đang làm tốt, chấp nhận và yêu thương con ở thời điểm hiện tại, TẬP TRUNG VÀO CON ĐƯỜNG THAY BẰNG ĐÍCH ĐẾN, những điều đó đã giúp họ rất nhiều.


Và trong quá trình đó, chúng tôi cũng từng giờ CHẤP NHẬN VÀ YÊU THƯƠNG MÌNH để nâng niu từng thành quả rất nhỏ mà công việc của mình mang lại cho trẻ, cho phụ huynh và cho chính sự phát triển của bản thân. Chúng tôi muốn giúp nhiều gia đình kết nối được với con và giúp những đứa trẻ đặc biệt được hiểu và yêu thương, chính là bằng cách luôn hiện diện và yêu công việc hàng ngày của mình.


Có thể, nếu chúng ta thật sự sống trong giây phút hiện tại, chúng ta sẽ học được cách yêu công việc hơn, như nhà sư Minh Niệm đã nói trong 4 câu thơ sau:

“Quá khứ đã qua rồi Tương lai thì chưa đến Ta chỉ thực sự sống Trong giây phút hiện tại”

Hoa Le

26 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page