Chắc những ai làm việc với trẻ tự kỷ hoặc cha mẹ của trẻ tự kỷ đều đã nghe tới khái niệm này, và chúng ta thường mặc định rằng đó là những bạn tự kỷ không nói được hoặc nói được rất ít, có nhiều hành vi lặp lại và chậm phát triển trí tuệ.
Sau khi đọc một số sách của người tự kỷ không lời viết và nghe những người tự kỷ thành đạt kể về quãng đời mang chứng “tự kỷ nặng” của mình, tôi thấy mặc định này của chúng ta có vấn đề, có vẻ như nó không chính xác.
Ido Kedar, một cậu bé tự kỷ “nặng” cuối cùng đã tìm ra được cách GIAO TIẾP TRÍ TUỆ BÌNH THƯỜNG của mình với thế giới bên ngoài nhờ bà mẹ không bao giờ bỏ cuộc. Cậu nói rằng cơ thể không nghe theo suy nghĩ của cậu, cậu muốn nói chuyện và biết phải nói gì, nhưng hoặc là cậu không thể thốt ra thành lời, hoặc là những gì được phát ra chỉ là những âm thanh vô nghĩa hay các cụm từ giống nhau mà cậu đã nói hàng ngàn lần. Cậu ví cơ thể mình như một nhà tù không có lối thoát.
Ido đã tham gia các trường học dành cho trẻ tự kỷ “chức năng thấp”, một danh từ khác dùng cho “trẻ tự kỷ nặng”, và cậu luôn cảm thấy buồn chán, thất vọng, tức giận, bị hiểu lầm, đôi khi đau đớn và tuyệt vọng. Cậu nói rằng các hành vi tự kích thích đem lại cho cậu cảm giác giống như thuốc giúp xoa dịu những cơn đau nhưng lại làm cậu ngày càng xa rời thế giới thực hơn.
Trước khi Ido có thể giao tiếp, mẹ cậu đã luôn nghi ngờ rằng cậu hiểu những thông tin đã tiếp nhận nhưng cơ chế biểu cảm của cậu đã bị suy giảm hoặc bị tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên bà đã không thể tranh luận điều này với mọi người vì các hành vi khó hiểu và bốc đồng của con, cộng với việc các tài liệu chuyên môn và ý kiến của các chuyên gia cho rằng trẻ tự kỷ nặng có khiếm khuyết về ngôn ngữ tiếp nhận cũng như chậm phát triển ngôn ngữ diễn đạt.
Cuối cùng thì nghi ngờ của bà đã được chứng minh:
“Với Ido, hành vi stim mới đến rồi đi. Khi con khoảng sáu tuổi con bắt đầu lẩm bẩm - một thứ âm thanh tắc nghẹn và hoàn toàn nằm sâu trong cổ họng. Ban đầu chỉ là âm thanh thỉnh thoảng mới phát ra để đối phó với những bực bội, nhưng sau đó nó đã trở thành một hoạt động bắt buộc. Suốt cả ngày, kể từ lúc con tỉnh dậy cho đến khi con có thể ngủ giữa những tiếng ồn, Ido lẩm bẩm mọi lúc. Con lẩm bẩm khi ăn, khi ngồi trên xe buýt đến trường, và cả khi ngồi trong lớp học. Thật muốn phát điên. Tất cả các kỹ thuật ABA đều không có tác dụng. Việc lờ đi các hành vi không mong muốn (extinction) thất bại thảm hại, các mệnh lệnh trực tiếp, "Không" (trung lập) hoặc "Yên lặng!" cũng vậy. Con vẫn tiếp tục lẩm bẩm trong nhiều tháng. Tôi mắng con dừng lại. Không có gì thay đổi.
Rồi một ngày nọ trong sự tuyệt vọng của mình, tôi đã nghĩ ra một ý tưởng cấp tiến. Tôi sẽ nói chuyện với con bình thường như tôi thường nói với bất cứ ai khác. Trước khi lái xe tôi giải thích cho Ido rằng tiếng lẩm bẩm gây mất tập trung như thế nào và nó ảnh hưởng đến sự tập trung của tôi thế nào trong khi tôi lái xe. Tôi yêu cầu con có thể cố gắng kiềm chế bản thân trong suốt chuyến đi. Trước sự ngạc nhiên của tôi, con ngừng lẩm bẩm gần như trong toàn bộ chuyến đi. Con trai tôi, người được cho là không thể hiểu, đã đáp lại lời nói bình thường và mệnh lệnh phức tạp. Từ thời điểm đó tôi đã quyết định nói chuyện với con một cách bình thường”.
Trong blog của mình, Ido viết: “Tôi, Carly, Tito, Elizabeth, Naoki. Chúng tôi là ai? Là những chiến binh thầm lặng. Tôi thích sự ra đời của một loạt những quyển sách viết bởi những người tự kỷ không lời. Đã đến lúc chúng tôi bênh vực cho mình. TẠI SAO NGƯỜI TA VẪN LUÔN NGHE CÁC HỌC GIẢ HƠN LÀ NGHE NHỮNG NGƯỜI TỰ KỶ?”
Hoa Le
Comments