Tôi giật mình khi nhìn thấy tài liệu ‘bồi dưỡng chuyên môn” của một giáo viên có ghi “Ứng dụng các nguyên tắc giáo dục vào giáo dục các học sinh chưa ngoan”. Các nguyên tắc giáo dục học sinh “ngoan” của chúng ta đã rất có vấn đề rồi, nếu áp dụng chúng vào giáo dục học sinh “chưa ngoan” thì không hiểu sẽ ra sao?
Mà không hiểu họ định nghĩa học sinh chưa ngoan thế nào nhỉ?
Bản thân tôi không có bằng cấp về giáo dục nhưng có cơ hội được làm việc với nhiều học sinh mà tôi biết trong trường học các thầy cô thường coi là “chưa ngoan” như : không tập trung làm bài, không nghe lời giáo viên, có các hành vi không phù hợp như ra khỏi chỗ ngồi, đánh bạn, nói khi chưa được phép, chạy đi chạy lại trong lớp…
Càng ngày tôi càng hiểu rằng các bạn ấy “chưa thể ngoan” vì các khó khăn liên quan đến khả năng xử lý các kích thích trong môi trường cũng như tự điều chỉnh kém, và những điều này có thể có rất nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu, bao gồm những gì xảy ra với cơ thể của trẻ, người thân cũng như trong gia đình trẻ.
Hy vọng rằng, thay cho việc dùng các cơ chế thưởng phạt như các giáo viên vẫn thường được dạy để áp dụng, họ sẽ được “bồi dưỡng chuyên môn” về “hiểu các khó khăn của trẻ” để giúp các bạn ấy vượt qua chúng, và dần dần có thể tập trung tốt hơn, nghe lời giáo viên hơn, không đánh bạn nữa… tức là “ngoan hơn”.
Năm năm trở về trước khi tôi còn đi kèm học sinh trong các trường quốc tế tại HCMC, người ta vẫn dùng các bảng đánh giá hành vi (behavior chart) để khuyến khích các hành vi tích cực và nhằm giảm bớt các hành vi tiêu cực trong các lớp học ở trường mẫu giáo và cấp một. Và những học sinh “chưa ngoan” mà tôi kèm chẳng bao giờ lên được mức “tốt”, trong khi các học sinh khác thường được khuyến khích đạt mức “rất tốt” hay “xuất sắc”. Sau một thời gian không thể lên được mức tốt thì các bạn ấy không quan tâm đến cái bảng đó nữa, thậm chí còn tỏ ra rất khó chịu mỗi lần giáo viên dịch chuyển tên của các bạn khác trên đó. Tôi nhận ra rằng việc sử dụng bảng đánh giá hành vi là cách nhanh nhất làm cho các học sinh “chưa ngoan” mất lòng tin vào bản thân mình và vào giáo viên.
Mới đây có TED TALK của một cô gái nói về tầm quan trọng của việc học sinh được các thầy cô lắng nghe. Cô gái này gặp một tổn thương lớn là mẹ cô qua đời khi cô còn học cấp hai, những ngày tháng từ lúc mẹ ốm nặng cho tới sau khi mẹ mất cô không thể nào tập trung học được và đến trường bị rất nhiều các thầy cô phê bình, chỉ có duy nhất cô giáo dạy môn tiếng Anh đã nhận thấy sự thay đổi của cô và hỏi cô về những gì xảy ra ở nhà, và nhờ có sự quan tâm của cô giáo tiếng Anh mà cô đã vượt qua được thời kỳ khó khăn đó. Khi bài TED TALK kết thúc, cô đã mời cô giáo, ân nhân của mình, người đã dạy cô 15 năm trước đây, lên sân khấu để cảm ơn trước tất cả mọi người.
Thông điệp của cô gái trong TED TALK này là giáo viên cần quan tâm đến học sinh của mình, tìm hiểu những gì xảy ra với chúng nếu chúng có các hành vi “chưa ngoan”ở trường. Danny Raede, một người tự kỷ và là giám đốc điều hành của tổ chức Aspergerexperts.com đã nói: “MỖI HÀNH VI CỦA TRẺ LÀ MỘT LỜI KÊU GỌI CẦN ĐƯỢC GIÚP ĐỠ”.
Những đứa trẻ có thể là “chưa ngoan” của chúng ta thật sự cần được hiểu và giúp đỡ, mong rằng các nguyên tắc giáo dục mà các giáo viên được học để sử dụng sẽ đi từ nền tảng đó.
Hoa Le
Comments