top of page
  • Writer's pictureHoa Le

TRAO GÌ – NHẬN ĐÓ

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cho phép trẻ tự kỷ được làm những gì chúng muốn?


Ở Gánh Xiếc, có lẽ đây là một trong những điều chúng tôi làm tốt nhất, và mỗi giờ mỗi ngày ở bên các bạn ấy đều vô cùng giá trị, sau đây là tâm sự của một Gxer về một bạn vừa bước sang tuổi trăng tròn với những cách thể hiện mình rất khác biệt.


“Hai tuần qua, J dành nhiều thời gian ở Gánh Xiếc hơn bình thường vì mẹ đi vắng. Và ở đây không có ipad nên cả ngày J quanh quẩn hoạt động và chia sẻ không gian cùng với các cô chú.


Chợt nhớ lại thời điểm J đến GX, tâm hồn khép kín chẳng cho ai đến gần, từ mà các cô chú nghe nhiều nhất là “go away”(đi đi) và “no”(không), và kế tiếp là những lần J thử thách làm đau một ai đó để thử phản ứng (nếu ai la đau oái oái hoặc ngăn J thì cứ thế mà bị đau tiếp. Khi các cô chú đón nhận với vẻ mặt bình thản không kêu ca thì J rất ngạc nhiên và từ đó chẳng thèm làm thêm lần nào nữa), cũng có những khi các cô chú đau quá đành ra chỗ khác để “tự an ủi”, nạp lại năng lượng để tiếp tục yêu thương J và các bạn khác.


Những hoạt động J đồng ý chơi cũng đếm trên đầu ngón tay, J biết mình muốn chơi gì và khi bạn không thích gì thì lập tức từ chối và cất lên hoặc bỏ vào thùng rác. Các cô chú đã được đồng hành cùng họa sĩ và thợ làm bánh kiêm đầu bếp J suốt một năm qua với những trải nghiệm rất mới và thú vị. Nếu các bạn nhìn thấy những bức vẽ của J, các bạn sẽ tin J có thể trở thành một họa sĩ tài ba.


Đến một ngày, J mở lòng với những cái chạm nhẹ yêu thương đầu tiên, ai cũng vỗ tay ăn mừng, bạn đã nói “come in” (vào đi) – Và các cô chú thừa thắng tiến lại gần.


Gánh Xiếc đã trở thành môi trường sinh hoạt thân thiện với J, các cô chú để J tự do chọn lựa không gian chơi (đôi khi có lấn chiếm chỗ làm việc của các cô chú một chút), với mục tiêu “J là em bé thân thiện, ai cũng có thể ở gần và hiểu J” – Mỗi ngày J trở nên gần gũi hơn, biết chia sẻ hơn, J có thể điều chỉnh tốt khi có các em nhỏ bằng cách lùi lại khi được thông báo trước và vào bên trong để các em đi lên phòng, đôi khi J còn tặng các em cái nhìn dễ chịu đến ấm lòng.


J quan tâm đến xung quanh hơn rất nhiều, hễ có cô chú nào vắng mặt bạn sẽ nhắc tên đến khi gặp mới thôi, đó là cách bạn bày tỏ bạn nhớ các cô chú, và bạn còn thể hiện cảm xúc qua lời nói để các cô chú chú ý đến bạn nhiều hơn. Nhiều khi J méc “ tức giận cô... chú...” vừa thấy thương mà lại vừa mừng, thương vì cảm xúc bên trong của J và mừng vì J đã biết chia sẻ điều đó với mọi người.


Thậm chí cách J giao tiếp về cảm giác bên trong bạn cũng có thể rất khác biệt, thứ 5 rồi bụng J đầy hơi mà không biết làm sao, ngồi vẽ với chú NA, cô Tr đang làm việc bên trong, nhưng bạn đã kêu cô ra ngoài “cô Tr come in”, rồi quay cái mông xì hơi vào cô. Có vẻ cô vẫn chưa hiểu bạn định thể hiện điều gì, bạn lại tiếp tục vừa gọi tên cô vừa xì hơi, chắc J phải gọi đến gần chục lần cô mới hiểu đó là dấu hiệu bạn muốn nói bạn đau bụng, J đã dừng hành vi này lại ngay khi cô Tr bắt đầu xoa bụng cho bạn, và cô đã biết ơn J đã giúp cô hiểu J, biết ơn J đã dành tình yêu thương cho cô, bất kể bằng cách như thế nào.”


Những dòng này làm tôi nhớ ngay đến câu nói trong quyển sách “Karmic Management” (Quản lý Nghiệp) yêu thích: what goes around comes around hay có thể dịch tạm là TRAO GÌ – NHẬN ĐÓ.


Hãy luôn trao tình yêu thương cho trẻ đặc biệt, và chắc chắn các bạn sẽ nhận lại tình yêu thương, như chúng tôi đang nhận được mỗi ngày tại Gánh Xiếc.


Hoa Le

9 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page