Tôi viết bài này sau khi vừa trải qua một chặng đường dài hơn một ngày với hai chuyến bay và hai chuyến tàu để đoàn tụ cùng gia đình của mình. Chúng tôi đã mỗi người một nơi trong bốn tháng qua vì Covid. Con gái tôi phải ở nhờ gia đình của bạn ở Malaysia từ ngày đầu tiên nước này đóng cửa biên giới và tôi thầm cảm ơn trời đất cuối cùng thì tôi cũng đã gặp được con. Nếu không có gia đình tuyệt vời đó thì không biết cái gì đã xảy ra với con tôi và có thể chúng tôi đã không có ngày hôm nay.
Gia đình của bạn con tôi đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và họ đã chăm sóc con tôi không khác gì con của họ. Có lần người mẹ nói đùa “nếu Malaysia đóng cửa thêm 1 tháng nữa thì chúng tôi sẽ đổi tên cho con chị sang mang họ của chúng tôi” tức là nhận con tôi thành con của họ. Đó gần như là một sự chăm sóc vô điều kiện. Không ít lần tôi xin họ cho tôi được trả tiền ăn cho con, hay ít nhất là cho tôi đóng góp một chút gì đó. Họ đều từ chối và nói rằng họ tin tôi cũng làm thế với con họ trong trường hợp tương tự. Mỗi lần con tôi mệt họ đều nói là cô bé rất vững vàng để cho tôi yên tâm, và khi con tôi rời nhà họ cách đây 2 ngày, nhìn bức ảnh họ chụp cùng với con tôi trước cửa nhà, cách họ ôm con tôi và vẻ mặt của họ, tôi đã khóc. Tôi tự nhủ sẽ không quên những gì họ đã làm cho con mình trong những tháng qua, nhưng có một điều gì đó hơn thế mà tôi cảm nhận được, đó là TÌNH NGƯỜI.
Một nghịch lý của TÌNH NGƯỜI tôi nhận thấy trong lĩnh vực hoạt động của mình là trong khi các cha mẹ có con tự kỷ làm mọi điều có thể để giúp đỡ nhau và giúp đỡ người tự kỷ, thì những người bình thường lại thờ ơ và thiếu sự cảm thông. Chắc chúng ta đã đọc không ít những câu chuyện về trẻ tự kỷ bị kỳ thị ở những nơi công cộng và sự khổ sở của cha mẹ chúng khi điều đó xảy ra.
Tôi biết một mẹ có con tự kỷ mặc dù cuộc sống không hề khá giả, con của cô ấy cũng chỉ mới tiến bộ những bước đầu và còn cần rất nhiều thời gian can thiệp, sống ở một nơi xa thành phố, nhưng sẵn sàng chia sẻ thông tin, dành thời gian nói chuyện, hướng dẫn những cha mẹ ở các thành phố, tỉnh thành khác tiếp cận với các phương pháp đã giúp con mình phát triển. Và có rất nhiều mẹ đã đến tận nhà người khác để củng cố tinh thần cho họ khi họ thất vọng, lo lắng vì con tự kỷ.
Cũng có thể chỉ cha mẹ có con tự kỷ mới hiểu được các nỗi đau và khó khăn của những người có con tự kỷ hoặc những người tự kỷ, nhưng tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể học hoặc tìm hiểu để hiểu họ, nếu chúng ta thật sự muốn thể hiện TÌNH NGƯỜI của mình.
Hãy lắng nghe những tiếng nói sau đây của hàng trăm người tự kỷ tại Mỹ trong dự án cộng đồng “Understanding autistic minds”, tạm dịch “Hiểu tâm trí của người tự kỷ”:
“Mỗi ngày, người tự kỷ có nghĩa vụ phải cố gắng để học và chấp nhận logic đằng sau các hành vi và quy định xã hội được thiết lập bởi những người bình thường. Điều này đòi hỏi một nỗ lực vô cùng lớn và cái giá rất đắt của các nỗ lực đó là mức độ căng thẳng, lo lắng, thất vọng và oán giận rất cao. Tại sao xã hội không thử những cố gắng tương tự: Người bình thường cố gắng hiểu, công nhận và hợp pháp hoá các trải nghiệm của người tự kỷ trong cộng đồng? Xã hội của chúng ta có thật sự đồng cảm hay không?”
Hoa Le
Comments