top of page
  • Writer's pictureHoa Le

THÍCH NGHI

Updated: Aug 10, 2021

Hôm qua tôi “online” để kết nối với gia đình của mình ở Việt Nam thì thấy mọi người đã phần nào đỡ lo lắng về Covid. Có vẻ như mọi người đang thích nghi dần với thực tại. Ở Anh hiện nay vẫn khoảng bảy tám trăm người mắc Covid và hơn 100 người chết một ngày, nhưng hầu như không ai còn nói đến Covid như một mối đe doạ nữa. Có thể chúng ta sẽ phải đeo khẩu trang mỗi khi ra đường nhiều tháng ngày tới hoặc Covid còn nhiều biến thể khác nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Chúng ta vẫn đang thích nghi bằng cách thay đổi suy nghĩ và hành động của mình từng giờ từng phút mà không nhận ra mình đang thay đổi.


Tuy nhiên không phải những thích nghi nào cũng đem lại các thay đổi tích cực cho con người, đặc biệt là những thích nghi “bất đắc dĩ” của một người trong những năm đầu đời.

Tôi mới xem bộ phim tài liệu “Unabomber – in his own words” (Kẻ đánh bom thư – Lời người trong cuộc). Đây là bộ phim về Theodore Kaczynski, một người đàn ông có IQ 167. Ông từng “nhảy cóc” ở trường phổ thông để vào Harvard năm 16 tuổi. Theodore trở thành tiến sĩ toán học và đã giảng dạy đại học. Tuy nhiên năm 1971, ông từ chối cuộc sống hiện đại và chuyển đến ở một mình trong căn nhà gỗ thô sơ trong rừng Montana. Tại đây, ông bắt đầu chế tạo những quả bom, rồi ông gửi chúng như các bưu kiện với mục đích thủ tiêu một số giáo sư và giám đốc điều hành để bày tỏ thái độ bất mãn với xã hội công nghệ. Đồng thời, ông thực hiện “kiệt tác” của mình là tác phẩm “Hiệp hội Công nghiệp và Tương lai của nó”. Cuốn sách mãi mãi được cả thế giới biết đến với cái tên Tuyên ngôn Unabomber. Trong hai thập kỷ tung hoành bom thư khiến ba người chết và hơn hai mươi người bị thương, cuối cùng ông đã bị bắt giữ sau khi em trai ông nhận ra phong cách viết của anh mình trong 'Tuyên ngôn Unabomber'. Tác phẩm này, được viết dưới bút danh FC (Câu lạc bộ Tự do) đã được đăng trên New York Times sau khi ông hứa sẽ ngừng gửi bom nếu nó được in đầy đủ bởi một nhà in lớn.


Tại sao một con người xuất chúng như vậy lại trở thành kẻ đánh bom?


Khi Ted Kacyznski mới chỉ là một đứa trẻ sơ sinh, anh đã bị cách ly với cha mẹ trong một thời gian. Mẹ anh luôn tin rằng trải nghiệm bị bỏ rơi đó có thể đã để lại vết sẹo vĩnh viễn trong tâm hồn anh. Lúc đó anh bị ốm và được đưa đến bệnh viện với tình trạng nổi mề đay với những vết sưng tấy đỏ xuất hiện trên da. Người mẹ muốn ở đó hàng ngày để thăm anh nhưng bệnh viện không cho. Họ nói rằng: “Chúng tôi không muốn cha mẹ làm phiền quá trình chữa bệnh, hãy giữ khoảng cách”. Cha mẹ chỉ được phép đến thăm anh hai lần một tuần trong hai giờ.


Nhưng khi trở về nhà, anh đã không còn là một cậu bé sôi nổi vui vẻ như trước. Ted đã "hoàn toàn câm nín" theo lời kể của gia đình, và không cười cũng như không giao tiếp bằng mắt với cha mẹ. Đây chính là những HÀNH VI THÍCH NGHI ở rất nhiều trẻ có rối loạn phát triển mà chúng tôi đã được nghe cha mẹ chứng kiến trong và sau khi chúng trải qua những sang chấn đầu đời. Ted Kaczynski đã phải vật lộn để hòa nhập với những người khác. Anh có vấn đề với bạn bè và rất cô độc mặc dù anh rất thông minh.

Trong phim, tiến sĩ Peter Vronsky, tác giả “ Những kẻ giết người hàng loạt” nói: “Có giả thuyết cho rằng một đứa trẻ sơ sinh không gắn bó với mẹ sẽ phát triển rối loạn nhân cách như một cơ chế thích nghi để chúng không cảm thấy đau đớn, không cảm thấy sang chấn, nhưng tất nhiên, chúng mất đi cảm giác của sự đồng cảm, một la bàn đạo đức”.

Nhu cầu được tôn trọng, phản hồi, bắt chước, hiểu và đồng cảm của một đứa trẻ nếu bị đè nén sẽ dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng. Và một trong các hậu quả đó là chúng sẽ thiếu khả năng trải nghiệm một cách có ý thức các cảm giác của bản thân, kể cả khi còn nhỏ cũng như khi trưởng thành.

“Theo kinh nghiệm của tôi, nguyên nhân của các xáo trộn về cảm xúc luôn được tìm thấy trong quá trình thích nghi đầu đời của trẻ sơ sinh”- trích từ “ Drama of being a child” (Bi kịch của việc là một đứa trẻ) của Alice Miller.

Hoa Le

84 views0 comments

Recent Posts

See All

Kommentare


bottom of page