“Hệ thần kinh của một người sẽ phản ứng một cách vô thức với nhận thức của người đó về mối đe doạ chứ không phải mối đe dọa thực tế, khách quan. Đối với nhiều người tự kỷ, chúng tôi có “nhận thức thần kinh bị lỗi” (Faulty Neuroception), có nghĩa là khả năng nhận thức được mối đe dọa của hệ thần kinh của chúng tôi, vì bất kỳ một lý do nào đó, không hoạt động tốt” – Danny Reade, một người tự kỷ.
Chúng tôi thường dẫn chứng những trải nghiệm, suy nghĩ của người tự kỷ khi làm việc với cha mẹ vì đó là những gì gần nhất với các trải nghiệm, suy nghĩ của con họ. Và nhận thức thần kinh bị lỗi đã đem đến cho người tự kỷ vô vàn khó khăn, làm cho họ mất lòng tin vào thế giới xung quanh và có những cơn giận triền miên dẫn đến các hành vi chống trả, chạy trốn hoặc đóng băng.
Stephen Porges, người sáng lập ra học thuyết Polyvagal (tạm dịch là học thuyết đa thần kinh phế vị) đã giúp chúng ta hiểu được cơn giận là một bản năng tự nhiên của cơ thể, là phản ứng giúp chúng ta tự vệ khi một đối tượng, hoàn cảnh hay tình huống nào đó ảnh hưởng tiêu cực đến chúng ta.
Tuy nhiên khi nghe bài giảng “Có gì đâu mà giận” của thầy Minh Niệm, tôi chợt nhận ra rằng có lẽ không phải chỉ người tự kỷ mà hầu hết chúng ta, những người sống trong thế giới hiện đại, đều có “nhận thức thần kinh bị lỗi” ở một mức độ nào đó. Một lời giải thích có thể không hoàn toàn đúng thời điểm của đồng nghiệp, một lỗi nhỏ của chồng hoặc vợ, một sơ suất của nhân viên, thậm chí sự xuất hiện của một ai đó chúng ta không chờ đợi, cũng có thể gây ra những cơn giận làm chúng ta mất ăn mất ngủ hoặc cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương.
Chúng ta không chỉ hiểu cơn giận là gì, chúng ta còn hiểu rằng mình không nên giận, rằng giận là tiêu cực, là tổn hao năng lượng của chính chúng ta, và hầu hết các cơn giận là do mình chứ không phải do người khác. Thậm chí tôi và các cộng sự của mình vẫn thường khuyên phụ huynh chuyển hoá các cơn giận của họ (để giúp con tốt hơn) bằng cách thay đổi niềm tin về các kích thích nhưng không hiểu vì một lý do nào đó, chúng tôi vẫn có nhiều lúc hoàn toàn mất kiểm soát với các cơn giận của mình.
Thầy Minh Niệm đã cho tôi câu trả lời:
“Khi tâm thức chúng ta yếu, chúng ta mệt, chúng ta hết năng lượng, chúng ta chịu nhiều áp lực, nhận thức của chúng ta về các đối tượng, hoàn cảnh, sự vật, sự việc khác với khi chúng ta đang ổn. Khi mình vui, ổn, hạnh phúc thì những cuộc tấn công lẻ tẻ kia, những điều bất như ý có hư hại chút đỉnh, mình vẫn có thể mỉm cười cho qua được. Chắc các bạn đã trải qua những kinh nghiệm đó, khi mình đang không vui, mình đang bất ổn, có nhiều thứ phải suy nghĩ, phải giải quyết, một chuyện cỏn con cũng làm mình phiền toái và phản ứng, tuỳ vào trình độ nhận thức của mình tại mỗi thời điểm và trình độ nhận thức này tuỳ thuộc vào tâm thức của mình khi tâm thức mình tuột thì trình độ nhận thức của mình nó tuột theo”.
Cũng giống như những người tự kỷ, hầu hết các phản ứng của chúng ta không phải là vì đối tượng nguy hiểm mà là do chúng ta cho rằng nó nguy hiểm.
“Những phản ứng của chúng ta hầu hết bị dư thừa” – Minh Niệm
Tôi mong ước được nhìn thấy những người mình yêu quý có trạng thái TÂM THỨC ỔN ĐỊNH VÀ MẠNH MẼ, để chỉ cần phải phản ứng khi thật sự cần thiết.
Hoa Le
Comments