top of page
Writer's pictureHoa Le

TẠI SAO?

Updated: Jul 5, 2021

Một điều thú vị nhất mà tôi học được trong khoá học tại Mỹ về tự kỷ lại không liên quan đến tự kỷ, mà là những câu hỏi “tại sao?”.


Những câu hỏi tại sao rất bình thường với trẻ 2-3 tuổi, chúng giúp trẻ hiểu về các quy định (Tại sao phải đi giày khi ra ngoài ? Tại sao con phải rửa tay trước khi ăn?) và tìm ra cách vận hành của mọi vật và mọi người (Tại sao con thỏ lại thích ăn cà rốt? Tại sao mẹ phải làm việc?)Đôi khi trẻ hỏi để thích nghi với những thay đổi xảy ra xung quanh. Tôi còn nhớ ngày xưa nhà tôi rất hay có khách đến ăn tối vào cuối tuần. Một ngày chủ nhật khi không thấy ai đến con trai tôi, lúc đó 3 tuổi, hỏi “tại sao tuần này nhà mình không có khách hả mẹ?”.


Những câu hỏi “tại sao” rất quan trọng với sự phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ, và các nhà tâm lý khuyên người lớn chúng ta luôn cố gắng trả lời chúng.


Người lớn ít sử dụng câu hỏi “tại sao”, chúng ta cho rằng chúng ta đã biết hết về mình, hiểu người khác và chúng ta thường xuyên mặc định về những gì xảy ra. Tôi đã rất nhiều lần ngạc nhiên khi nghe ông xã kể gì đó với người khác về tôi, cũng như nhiều lần tôi cho rằng con tôi sẽ thích một cái gì đó nhưng thực tế lại không đúng.


Khi chúng ta nghe bạn thân hay đồng nghiệp của mình nói chuyện, chúng ta hay đoán trước họ sẽ nói gì tiếp, nghĩ là mình biết người kia đang nghĩ gì ngay cả khi người đó chưa nói ra. Nhưng nếu chúng ta chú ý lắng nghe họ nhiều hơn, thật sự để ý đến những gì họ nói, chúng ta sẽ ngạc nhiên. “Tôi không ngờ bạn lại nghĩ về tôi như thế.” “Tôi không ngờ mối quan hệ của bạn lại như vậy.”, “Tôi không thể tưởng tượng bạn lại muốn bỏ công việc rất nhiều người thèm muốn đó”...


Chính vì vậy, hỏi là cách tốt nhất để giúp chúng ta biết người khác nghĩ gì và cảm thấy thế nào. Các câu hỏi “tại sao” có thể giúp chúng ta thay đổi, có thể giải phóng chúng ta khỏi rất nhiều các thất vọng, lo lắng và đau khổ. Trong nhiều trường hợp nó còn giúp chúng ta hoặc những người khác tìm ra những ý tưởng hay cách giải quyết mới rất hiệu quả cho các vấn đề của mình.


Trong khoá học tôi tham gia đó, rất nhiều cha mẹ của trẻ tự kỷ nói rằng họ “không cảm thấy thoải mái khi ở bên con”. Có khi chỉ một câu hỏi “tại sao bạn không thoải mái khi ở bên con” đã giúp vài người trong số họ nhận ra những lý do của mình thật sự không đáng kể và có thể tự thay đổi suy nghĩ của mình để trở nên thoải mái hơn. Thường thì các giáo viên sẽ cần hỏi nhiều hơn một câu hỏi “tại sao” hoặc hỏi kèm với một số các câu hỏi khác nữa để giúp cha mẹ tìm ra câu trả lời cuối cùng cho các vấn đề của mình. Một điểm đặc biệt của cách hỏi này là các giáo viên không chịu trách nhiệm về việc làm cho cha mẹ phải thoải mái hay không, quyền lựa chọn là hoàn toàn của cha mẹ.


Có lần một người mẹ có con tự kỷ nói với tôi rằng chị lo khi con chị lớn lên không lập gia đình được. Tôi hỏi “tại sao chị lại nghĩ là con chị sẽ không bao giờ lập gia đình? Tôi biết có nhiều người tự kỷ lớn lên vẫn có gia đình bình thường”. Điều đó là sự thật. ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ BẠN CẦN HỎI VỚI MỘT SỰ TÒ MÒ, KHÔNG PHÁN XÉT, THẬT SỰ YÊU THƯƠNG VÀ MUỐN LÀM ĐIỀU TỐT NHẤT CHO NGƯỜI ĐÓ, thì họ sẽ sẵn sàng trong việc thay đổi cách tiếp cận các vấn đề đang làm họ thất vọng, lo lắng hay đau khổ.


Khi con bạn nói nó không thể làm được điều gì đó bạn yêu cầu, thường bạn sẽ tự động nghĩ con cố tình không nghe lời hoặc lười biếng. Thế nhưng nếu bạn thật sự muốn tìm hiểu nguyên nhân, bạn sẽ cần HỎI NHƯNG KHÔNG PHÁN XÉT: “tại sao con không làm được?”. Khi con bạn cảm nhận được bạn không đang phê bình mà thật sự muốn giúp đỡ nó, bạn sẽ nhận được câu trả lời và bạn có thể hỗ trợ con dựa trên câu trả lời của nó, một tác dụng phụ tuyệt vời chính là mối quan hệ tốt đẹp của bạn với con.


Có lẽ chúng ta nên học từ những đứa trẻ 2-3 tuổi và sử dụng nhiều hơn các câu hỏi “tại sao”. Bạn cũng nên hỏi chính mình câu hỏi “tại sao” mỗi khi bạn cảm thấy lo lắng về một điều gì đó, ĐỪNG MẶC ĐỊNH ĐIỀU ĐÓ KHÔNG THỂ THAY ĐỔI. Nhiều khả năng bạn sẽ tìm ra cách giải quyết làm bạn hết lo lắng, hoặc bạn có thể thay đổi suy nghĩ của mình về các nỗi lo đó và giảm dần ảnh hưởng của chúng.


Hoa Le

92 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page