top of page
Writer's pictureHoa Le

SỰ GIẢI PHÓNG

“Hôm nay B nói đi tè và đi ị mọi người ạ, em vui quá”, và “Huhuhu, hay ở chỗ em không dạy gì”, đó là những tin nhắn tuyệt vời mà mẹ bé B mới gửi cho chúng tôi.


Một trong những mục tiêu của chúng tôi trong chương trình trị liệu chơi là giúp cha mẹ giải phóng khỏi suy nghĩ “dạy con mọi lúc mọi nơi” như một câu thần chú mà cha mẹ nào hầu như khi bắt đầu đến với chúng tôi cũng mang trong đầu.


Hãy tưởng tượng chúng ta, những người lớn, phải liên tục trả lời các câu hỏi hay nhắc lại lời người khác, hay được yêu cầu nhìn vào mắt người khác (khi chưa sẵn sàng) trong suốt thời gian chúng ta thức trong một ngày: khi ăn cơm, khi tắm, đi vệ sinh, khi đi trên đường, khi ngắm nhìn một cảnh vật, đặc biệt là khi giao tiếp và tương tác với người khác, liệu chúng ta có nhanh chóng trở nên kiệt sức và muốn chui vào một chỗ nào đó để tránh xa tương tác xã hội hay không?


Cha mẹ có con đặc biệt luôn lo lắng về các kỹ năng còn thiếu của con, đặc biệt là về ngôn ngữ, khi con họ nói được một từ, họ vui mừng hạnh phúc, nhưng nếu ngày hôm sau con họ không còn nói từ đó nữa (có thể vì bé mệt hoặc vì mỗi khi bé nói thì bố mẹ lại ép bé phải nói liên tục hay nói được câu 2 từ rồi mới đáp ứng),thì họ lo lắng. Và để được hạnh phúc lâu dài họ tìm mọi cách giúp con nói, thường là ép con phải nói, mọi lúc mọi nơi, một mong muốn hoàn toàn chính đáng.


Tuy nhiên mong muốn đó thường sẽ đi kèm với “tác dụng phụ”, mà thực ra tương đối nghiêm trọng, là chúng ta quá tập trung vào dạy con, nên không thấy cái giá phải trả của mối quan hệ kết nối – nền tảng giúp trẻ tương tác xã hội- mà những giờ phút vui vẻ (khi chúng ta không cố dạy mà chỉ vui vẻ bên con) có thể đã mang lại cho trẻ.


Chúng tôi không bao giờ và cũng không muốn cha mẹ ép trẻ nói hay tương tác, vì ép đồng nghĩa với cho trẻ thông điệp “cha mẹ không tin con có thể tự làm được”. Rất nhiều cha mẹ than phiền về sự thụ động của trẻ đặc biệt nhưng không hiểu rằng chính việc người lớn luôn ép và gợi ý trẻ dẫn đến việc trẻ không có cơ hội tự khởi xướng bất kỳ tương tác nào.


Tôi đồng ý với ý kiến của một chuyên gia trong buổi làm việc mới đây khi cô trả lời phụ huynh về việc con họ chỉ nói khi được gợi ý, cô nói: “vấn đề là hầu hết 90% cách dạy tự kỷ của chúng ta hiện nay làm cho trẻ phụ thuộc vào các gợi ý”.


Sẽ tốt hơn nhiều nếu trẻ nói và tương tác khi trẻ thật sự sẵn sàng và cảm thấy muốn nói hay muốn tương tác, tuy nhiên điều này đòi hỏi SỰ KIÊN NHẪN rất lớn của cha mẹ trong cố gắng kết nối với trẻ. Và chúng tôi nhận ra khi làm việc với các phụ huynh là rõ ràng khi họ GIẢI PHÓNG MÌNH khỏi ý tưởng “phải dạy con bằng được một điều gì đó”, các căng thẳng của họ hầu như không còn nữa. Khi đó giọng nói, nét mặt, ngôn ngữ cơ thể và trạng thái “giao tiếp xã hội/đèn xanh” của họ sẽ giúp con muốn tương tác nhiều hơn, và nhiều khả năng con họ sẽ tự nói mà không cần phải dạy hay ít nhất lúc đó mới nên dạy.


CON BẠN SẼ PHÁT TRIỂN!


Hoa Le

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page