Hàng ngày, trên mạng xã hội tôi thấy nhiều cha mẹ có con tự kỷ khuyên nhau hoặc truyền tay nhau những cuốn sách về can thiệp tự kỷ, và rất may mắn là càng ngày chúng ta có càng nhiều những cuốn sách có giá trị được xuất bản ở Việt nam giúp cho cha mẹ của trẻ tự kỷ có hướng đi đúng trong việc giúp con phát triển.
Tôi cũng dành nhiều thời gian trong mười năm qua để đọc sách về tự kỷ, từ đọc các sách giáo khoa về hành vi trong những năm học phân tích hành vi ứng dụng, rồi tìm hiểu thêm các phương pháp can thiệp dựa trên khoa học phát triển. Tuy nhiên chỉ đến khi đọc sách của những cha mẹ có con tự kỷ hoặc chính những người tự kỷ viết, tôi thấy đó mới là thời điểm tôi bắt đầu thực hiện được đam mê là giúp các gia đình có con tự kỷ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cha mẹ của trẻ tự kỷ luôn có những lo lắng là nếu không dạy con từ “lúc này” (lần tôi gặp họ đầu tiên) thì bao giờ con mới phát triển được, mới đi học được, mới sống tự lập được, dạy ở đây họ muốn nói là dạy các kỹ năng cụ thể như nhận thức, tự phục vụ… Nhưng khi một đứa trẻ ở trong trạng thái không ổn định về cả thể chất và cảm xúc, mà hầu hết những đứa trẻ khi đến với tôi đều trong trạng thái đó, thì làm sao có thể dạy ngay được. Việc đầu tiên mà tôi muốn họ làm với con là giúp con ăn, ngủ, tiêu hoá tốt, cảm nhận được cơ thể của mình, cảm nhận được sự an toàn, thân thiện từ môi trường và những người xung quanh, vì những người tự kỷ trong sách của họ đã cho chúng ta biết rằng họ không thể tương tác và giao tiếp trong khi họ còn quá bận rộn với các căng thẳng của hệ thần kinh và các nỗi đau không thể nói ra trong cơ thể mình.
Khi tôi hỏi tất cả các cha mẹ mục tiêu cuối cùng của bạn cho con là gì, họ đều nói muốn con được hạnh phúc. Và họ nghĩ rằng việc dạy con là để giúp con SAU NÀY ĐƯỢC HẠNH PHÚC. Họ không nghĩ nhiều đến việc con phải học những kỹ năng nào đó khi còn căng thẳng và đau đớn ĐANG KHÔNG LÀM CHO CON HẠNH PHÚC.
“Nhưng đổi lại đến lúc con nói được, đi học được, hoà nhập được, con sẽ hạnh phúc” - họ nói. Ai đảm bảo được điều đó? Tony Attwood, tiến sĩ tâm lý nổi tiếng với các nghiên cứu về trẻ tự kỷ trong trường học đã nói rằng với những trẻ tự kỷ đi học được, một nửa trong số đó đến năm lớp 8 hoặc lớp 9 sẽ không thể tiếp tục đến trường vì căng thẳng.
Kể cả với một đứa trẻ bình thường cũng chẳng cha mẹ nào có thể nói được là điều gì sẽ xảy ra với chúng trong tương lai, nhất là với một thế giới đầy biến động như ở thời điểm hiện tại. Điều gì sẽ xảy ra nếu CHÚNG TA LÀM CHO CON HẠNH PHÚC NGAY TỪ BÂY GIỜ bằng cách giúp con trở nên dễ chịu hơn, thư giãn hơn, cười nhiều hơn mỗi giây phút trong cuộc sống của con. Và tất cả những giây phút hạnh phúc đó cộng lại sẽ chính là một ngày hạnh phúc, rồi một tuần hạnh phúc, một tháng hạnh phúc, một năm hạnh phúc và tất nhiên …. nhiều năm hạnh phúc, đó không phải là một cuộc đời hạnh phúc sao?
Tôi đã học được điều này từ những cuốn sách viết bởi những người tự kỷ hoặc cha mẹ của họ, và rất nhiều gia đình đã làm được điều đó. Trong cuốn sách “A normal family everyday adventures with our autistic son” tạm dịch là “Một gia đình bình thường, cuộc phiêu lưu thường ngày với con trai tự kỷ của chúng tôi”, người cha đã viết:
“Tôi đọc rất nhiều sách về tự kỷ, bao gồm tác phẩm mới và rất tuyệt vời Neurotribes (tạm dịch: các bộ lạc đa dạng thần kinh) của Steve Silberman mà tôi khuyên các bạn nên đọc. Tuy nhiên, mỗi lần tôi đọc được một quyển sách như vậy, trái tim tôi lại muốn tôi có thể nói nhiều hơn nữa về những niềm vui và tình người trong cuộc phiêu lưu hàng ngày của cuộc sống với một người tự kỷ. Rất nhiều sách tôi đã đọc chỉ tập trung vào các khó khăn (các khó khăn có thể lấp đầy nhiều quyển sách) hoặc để lại cho tôi cảm giác là tôi đã đọc về những con ếch đang bị giải phẫu trong phòng thí nghiệm. Một tuyên bố quan trọng nhất và có thể sẽ gây ra tranh cãi nhiều nhất của tôi trong quyển sách này là mặc dù có nhiều khó khăn, và trong một số trường hợp, chính là do có các khó khăn đó, chúng tôi đã có rất nhiều niềm vui trong cuộc sống của mình. Gia đình chúng tôi đã có rất nhiều sự vui sướng và tiếng cười bên cạnh các nỗi đau và nước mắt”.
Hãy làm cho trẻ tự kỷ được cười thật nhiều mỗi ngày!
Hoa Le
Σχόλια