top of page
Writer's pictureHoa Le

RICHARD FEYNMAN

Một câu chuyện khác trong cuốn “Element” là về sự kiện một sinh viên của trường đại học Cornell ném cái đĩa cho nó bay trong nhà ăn. Không biết điều gì đã xảy ra với cái đĩa đó, anh ấy có bắt được nó lại không hay nó bị rơi và vỡ thành từng mảnh. Nhưng điều này đã trở nên một sự kiện đáng nhớ, vì một trong những người nhìn thấy cái đĩa bay đó chính là Richard Feynman, nhà vật lý nổi tiếng người Mỹ, thần đồng của thế kỷ 20. Ông là một trong những nhà khoa học đáng được ngưỡng mộ của thời đại mình vì ông cũng chơi nhạc Jazz, đồng thời là một hoạ sĩ, một nghệ sĩ tung hứng và nổi tiếng với đam mê chơi trống bongo. Năm 1965 ông được giải thưởng Nobel về vật lý. Và ông nói rằng đó là nhờ cái đĩa bay trong nhà ăn.


“Bữa trưa hôm đó, tôi ngồi ăn và thấy một người ném cái đĩa lên, giữa cái đĩa có logo màu xanh của trường, khi cái đĩa rơi xuống, cái logo cũng quay nhưng nó quay có vẻ nhanh hơn vận tốc quay của cái đĩa, và tôi tự hỏi hai vận tốc đó có liên quan đến nhau như thế nào, chẳng có gì quan trọng lắm, tôi chỉ bắt đầu “CHƠI” với các công thức về chuyển động của các vật quay, rồi tôi tìm ra rằng cái logo quay nhanh gấp đôi vận tốc quay của đĩa”.


Feynman viết mấy thứ vào tờ giấy ăn, rồi đi học tiếp. Sau đó ông lại CHƠI tiếp với những ý tưởng ông đã viết trên tờ giấy ăn đó.

“Tôi bắt đầu CHƠI với chuyển động quay, và điều này dẫn tôi đến một vấn đề quen thuộc của chuyển động quay của các nguyên tử theo phương trình Dirac, và nó lại dẫn tôi quay lại điện động lực học lượng tử, là vấn đề mà tôi đang nghiên cứu. Từ đây tôi tiếp tục CHƠI với nó một cách thoải mái như việc lấy cái nút bần ra khỏi chai – mọi thứ cứ tự nhiên đến và chỉ ít lâu sau tôi đã làm xong công việc mà nhờ nó tôi được giải thưởng Nobel”.


Tôi còn nhớ một lần đến chơi nhà cô bạn thân sống ở Mỹ, chồng của cô là một trong vài trăm nhà vật lý nổi tiếng thế giới, anh có nhiệm vụ xếp bát vào máy rửa bát sau mỗi bữa ăn, và tôi để ý thấy mỗi lần xếp bát anh đều cứ xếp được một cái đĩa hoặc bát thì lại viết gì đó vào một mẩu giấy, tôi tò mò đến xem thì thấy toàn các công thức (trông giống các công thức toán nhưng chắc là vật lý) rất phức tạp, và khi tôi hỏi bạn, cô nói là anh vẫn luôn làm thế khi làm việc nhà. Hình như anh vẫn luôn CHƠI “với các công thức” mọi lúc mọi nơi, có lẽ với anh sự sáng tạo tự nhiên như chúng ta thở vậy.


Người bạn của tôi và Feynman đã sáng tạo như chơi vì họ được thực hành những đam mê của mình.


Tôi cũng thật may mắn khi được làm điều tôi yêu thích, mặc dù phải mất rất nhiều năm tháng để tìm được “element” của mình. Tôi đã luôn cho rằng mình không sáng tạo, học chuyên toán những năm tháng phổ thông, sau đó thêm 6 năm học bách khoa, luôn nghĩ rằng mình dốt văn, nhưng đến khi học tâm lý thì có thể viết các bài luận một cách say sưa.

“Chẳng có ai không sáng tạo, nhưng chắc chỉ đến khi chúng ta tìm được một công việc kích thích được trí tưởng tượng của mình, để chúng ta có thể làm như chơi đùa với nó, thì ta mới có thể giải phóng được các năng lượng sáng tạo của mình” – Ken Robinson.

Hoa Le

15 views0 comments

Recent Posts

See All

コメント


bottom of page