top of page
  • Writer's pictureHoa Le

HỌC THUYẾT POLYVAGAL VÀ ĐÈN XANH ĐÈN ĐỎ

Hôm nay trong khi tôi ngồi xem lại giờ chơi cùng với một cộng sự của mình, ông xã nhìn thấy và nhận xét: nếu cứ làm những gì đứa trẻ muốn như bọn em đang làm thì làm sao nó học được cái gì? OMG, tôi nghĩ, 100% phụ huynh khi đến với chương trình của chúng tôi đều đã nói thế, và thật may mắn là sau một thời gian thực hành họ đã thay đổi.


Thực ra những điều quan trọng nhất chúng tôi làm trong phòng chơi với các bạn nhỏ của mình là hoà mình và giải trí để đem lại cho các bạn ấy sự an toàn, bởi vì với các bạn đặc biệt, không an toàn là cảm giác thường trực và là nguyên nhân của hầu hết các vấn đề liên quan đến rối loạn xử lý cảm giác, các hành vi bùng nổ khép kín cũng như thiếu khả năng tương tác và giao tiếp xã hội (theo Học thuyết Polyvagal /thần kinh đa phế vị của Stephen Porges).


Khi chúng ta không cảm thấy an toàn, hệ thần kinh giao cảm sẽ được kích hoạt để đưa cơ thể vào trạng thái chạy trốn hay chống trả, chắc nhiều người trong chúng ta biết về trạng thái này. Tuy nhiên còn một trạng thái nữa của cơ chế sống còn, khi mối đe doạ trở nên nguy hiểm đến tính mạng thì một nhánh của hệ thần kinh phó giao cảm, dorsal vagal, sẽ đưa cơ thể chúng ta vào trạng thái đóng băng, lúc đó chúng ta không cảm nhận được cơ thể của mình, không cử động được và không thể thốt nên lời. Đây là cơ chế chúng ta thừa hưởng được từ tổ tiên ông cha là các loài bò sát, khi chúng ta không thể chống trả (fight/F) hay chạy trốn (flight/F), chúng ta sẽ đóng băng (Immobilisation/I) để bảo toàn năng lượng cho mình và làm cho những con thú săn mồi bỏ đi.


Theo Stephen Porges, rất nhiều trẻ tự kỷ, tăng động, trẻ gặp sang chấn phát triển, dành phần lớn thời gian của mình trong các trạng thái chạy trốn, chống trả hoặc đóng băng, tức là FFI, kể cả khi không có gì nguy hiểm xảy ra. Khi đó hệ thần kinh của trẻ sẽ không sẵn sàng tiếp nhận thông tin, việc chúng ta cố gắng dạy trẻ không những không có tác dụng mà ngược lại, nếu chúng ta dạy theo kiểu ép trẻ phải làm bằng được thì trẻ sẽ càng cảm thấy không an toàn và sẽ càng khó ra khỏi FFI.


Một điều thú vị mà trước đây bản thân tôi cũng thấy khó tin, nhưng đã nhận ra qua mấy năm thực hiện trị liệu chơi, là chỉ bằng cách hoà mình với trẻ, cộng thêm ăn mừng và giải trí khi trẻ có dấu hiệu ra khỏi FFI, thì những đứa trẻ đó đã tương tác, nói, nhìn, và trở nên linh hoạt hơn nhiều. Điều đó có thể được giải thích bởi cơ chế còn lại của hệ thần kinh tự chủ, nhánh khác của hệ thần kinh phó giao cảm, ventral vagal, là trạng thái tham gia xã hội (social engagement), đây là cơ chế chỉ tồn tại ở động vật có vú, khi chúng ta an toàn, chúng ta muốn kết nối xã hội, chúng ta giao tiếp mắt, và đó là thời điểm tốt nhất để học.


Dựa trên học thuyết này, chương trình trị liệu chơi của chúng tôi đã sử dụng mô hình đèn xanh đèn đỏ để giúp cha mẹ dễ dàng hiểu được các trạng thái thần kinh của trẻ giúp trẻ cảm thấy an toàn cũng như có thể học một cách hiệu quả nhất. Những gì ông xã tôi nhìn thấy trong video là thời điểm trẻ đang trong trạng thái đèn đỏ, và khi đó chúng tôi sẽ làm bất cứ những gì trẻ muốn, đến khi trẻ cảm thấy an toàn và muốn tương tác, trẻ sẽ cho dấu hiệu đèn xanh và lúc đó những trò chơi thú vị sẽ diễn ra, cho tới khi trẻ thật sự thoải mái với tương tác thì chúng tôi sẽ dạy những gì nằm trong mục tiêu của trẻ.


Tất nhiên với bất kỳ đứa trẻ nào, việc làm theo tất cả những gì chúng muốn cả ngày là không thực tế, chúng tôi thường khuyên cha mẹ là cố gắng làm theo những gì con muốn, hãy cho con kiểm soát được môi trường để cảm thấy an toàn càng nhiều càng tốt, và cố gắng để chỉ phải nói “không” với con khoảng 10% thời gian tương tác nói chung. Làm được điều này một cách nhất quán sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn, trẻ sẽ cho chúng ta nhiều đèn xanh hơn, và có thể học được nhiều hơn từ chúng ta.


Hãy “cho” trẻ nhiều, chắc chắn bạn sẽ “nhận” được nhiều từ trẻ.


Hoa Le

Recent Posts

See All

댓글


bottom of page