Mới đây có một phụ huynh của trẻ tự kỷ hỏi tôi: dấu hiệu nào cho thấy phương pháp chúng ta đang áp dụng cho con là hiệu quả tốt nhất? Hiệu quả tốt nhất thì tôi nghĩ chẳng ai dám khẳng định vì mỗi đứa trẻ tự kỷ là một cá thể riêng biệt với các khó khăn và thế mạnh khác nhau và chẳng ai có thể chạy song song hai chương trình can thiệp với một trẻ để cho thấy cái nào đem lại hiệu quả hơn.
Một số chương trình can thiệp, đặc biệt là những phương pháp được coi là có nhiều bằng chứng khoa học hơn các phương pháp khác, thường sẽ dùng dữ liệu để cho bố mẹ thấy hiệu quả, ví dụ, nếu các dữ liệu về các mục tiêu đặt ra cho trẻ cho thấy sự tiến bộ theo thời gian, ví dụ sau một tuần số từ trẻ sử dụng được đã tăng từ 5 lên 10 từ, hoặc sau 1 tháng bé đã biết chơi đúng chức năng thêm của 3 loại đồ chơi mới, hay sau 5 tuần dạy, bé đã biết đánh răng…Chúng tôi cũng có một số tiêu chí để đánh giá hiệu quả trị liệu chơi của mình như khả năng khởi xướng tương tác của trẻ, lời nói, giao tiếp mắt và khả năng linh hoạt tăng lên cũng như các hành vi bùng nổ/ăn vạ của trẻ giảm bớt.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc trực tiếp với một số phụ huynh đang có con thực hành trị liệu chơi, thỉnh thoảng tôi lại được họ kể cho nghe về những thay đổi của con mình. Một người mẹ khoe với tôi là sau 12 năm, lần đầu tiên con trai bà tự sang phòng anh trai nằm chơi với anh, rồi tự động giúp mẹ làm việc nhà, một người khác thì nói rằng con chị lần đầu tiên tỏ ra quan tâm đến mẹ bằng cách khoe với mẹ thành tích học tập của mình, biết là mẹ rất vui với điều đó, bé còn hứa với bố là sẽ ăn sáng nhanh hơn để đi học sớm cho bố không bị kẹt xe khi thấy bố căng thẳng. Một mẹ khác nói là con em bây giờ vui hơn rất nhiều khi chơi với bố mẹ và không khí trong nhà thoải mái hơn nhiều.
Đó là những thay đổi tích cực mà chúng ta thường không ghi nhận trong các bản dữ liệu, nhưng qua kinh nghiệm làm việc với trẻ đặc biệt và thực hành nhiều phương pháp khác nhau, tôi nhận ra rằng những thay đổi đó mới thật sự giá trị, các con đã làm được như vậy vì chúng cảm nhận được sự kết nối với cha mẹ, khi chúng thấy được cha mẹ yêu thương. Các kỹ thuật củng cố hành vi khó có thể đem lại những điều đó, mà với những đứa trẻ nói trên, MỐI QUAN HỆ VỚI CHA MẸ ĐÃ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC CỦA CHÚNG. Đúng như Angie Voss, nhà trị liệu hoạt động, tác giả cuốn “Hiểu các dấu hiệu giác quan của con bạn” đã nói:
“Trị liệu cho trẻ đặc biệt và các gia đình nên tập trung vào hỗ trợ sự đồng điệu của mối quan hệ của con bạn với bạn, với cơ thể và hệ giác quan của con thông qua các tương tác chơi thú vị. Qua chơi chúng ta khám phá môi trường thích hợp và nhịp điệu phù hợp cho từng trẻ để hỗ trợ khả năng điều chỉnh bộ não và cơ thể, xử lý và tổ chức các thông tin từ bên ngoài, và cải thiện sự gắn bó và kết nối, điều này cho phép mối quan hệ của bạn trở thành động lực để cải thiện các mục tiêu phát triển xã hội và cảm xúc cho con”
Tôi muốn nói rằng, nếu mối quan hệ của bạn với con đang tốt dần lên, thì phương pháp bạn đang áp dụng cho con là hiệu quả.
Hoa Le
コメント