Nếu có ai hỏi tôi thách thức lớn nhất trong cuộc sống của tôi là gì? Câu trả lời là “thực hành không phán xét”.
Hôm trước khi gặp bác sĩ trị liệu cho bố tôi ở trong bệnh viện, tôi cố gắng hỏi về tình hình của bố và bác sĩ trả lời rằng bố tôi cần sẽ phải truyền thêm thuốc kháng sinh 14 ngày nữa. Vừa trả lời cô vừa đi vội vào thang máy, nói rằng cô phải đi đến khám ngay cho một bệnh nhân khác. Tôi còn muốn hỏi rất nhiều câu hỏi nữa nhưng tôi biết cô bác sĩ đó không có thời gian dành cho tôi. Trong đầu tôi bắt đầu những suy nghĩ: người bác sĩ này có vẻ không có tâm, cô chỉ trả lời qua loa cho xong chuyện. Và với sự phán xét đó tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu, mất lòng tin vào hệ thống y tế, mặc dù đây là một bệnh viện tư.
Rồi sau đó khoảng một tiếng tôi lại được gặp một bác sĩ khác, thay ca cho bác sĩ trước. Cô mở hồ sơ của bố tôi ra và nói “bệnh của ông rất nặng, tôi sẽ không cho ông về đâu”, vì trước đó bố tôi đã gọi chúng tôi vào để nói là bố muốn về nhà, không muốn điều trị tiếp tục nữa. Và bác sĩ cũng chỉ nói thế, không dành thời gian giải thích thêm gì. Trong đầu tôi lại bắt đầu những suy nghĩ đầy phán xét: cô bác sĩ này cũng chẳng hơn gì cô kia, không yêu quý gì công việc họ đang làm.
Nhưng rồi khoảng một lúc sau đó có cô y tá vào cho bố tôi uống thuốc, cô này tận tình và nhẹ nhàng với ông, cô dặn chị em tôi rất kỹ là phải theo dõi ông như thế nào. Tôi nghĩ, cô y tá này dễ thương quá, có vẻ rất yêu nghề. Khi nói chuyện với các bác sĩ, tôi thấy việc bố tôi đòi về có vẻ có lý, vì tôi không tin lắm vào quy trình điều trị của họ, nhưng khi nhìn thấy sự tận tâm của cô y tá, tôi lại nghĩ ông ở lại sẽ có người chăm sóc tận tình, như thế sẽ tốt hơn cho ông.
Mỗi ngày chúng ta đều gặp gỡ các đồng nghiệp, người thân, hoặc những người cung cấp dịch vụ, khách hàng. Dựa trên những gì chúng ta thấy, nghe từ họ, chúng ta thường nhanh chóng đi đến các “kết luận”: cô ấy/anh ấy có vẻ khó tính, không thân thiện. Thậm chí anh ấy/cô ấy là người tốt, hay xấu, họ đang làm đúng hoặc sai. Và chính những kết luận đó của chúng ta ảnh hưởng đến cách chúng ta phản ứng với mọi hành động của họ, nhất là khi những hành động đó liên quan đến quyền lợi của chúng ta. Không ít lần chúng tôi gặp mình phán xét các hành vi của trẻ cũng như cha mẹ chúng. Thế nhưng rất may mắn là với tính chất công việc của mình, chúng tôi nhanh chóng chuyển sang “chế độ thám tử” để tìm hiểu cái gì đã hoặc đang xảy ra với họ. Nói cách khác là tìm những lý do ở phía dưới của tảng băng hành vi.
Bây giờ khi ngồi viết bài này, tôi tin rằng hai cô bác sĩ mà tôi gặp đã làm tốt nhất có thể ở thời điểm đó, với bố tôi và trong cách tiếp cận với chị em tôi. Có thể các cô thật sự quá bận rộn, có thể họ nghĩ rằng có giải thích cũng chẳng giúp gì được cho chúng tôi hay biết đâu nếu họ giải thích nhiều chúng tôi sẽ lại còn lo lắng hơn.
Một vấn đề mà tại Gánh Xiếc chúng tôi thường gặp khi tư vấn cho các gia đình sử dụng chương trình trị liệu chơi là một trong hai phụ huynh, thường là người bố, và ông bà hai bên không đồng ý với cách người mẹ can thiệp cho con. Họ thường phán xét cách can thiệp của người mẹ, thường cho rằng mẹ chiều con quá, không kỷ luật thì con sẽ hư, hoặc hoà mình thì sẽ làm cho con càng “được thể” stim nhiều hơn nữa, hoặc để con dẫn dắt suốt thế thì bao giờ con sẽ học được các kỹ năng…Có một người mẹ sau khi chơi với con và con tiến bộ rất nhiều rồi thì tâm sự: “em ước gì mọi người trong gia đình em cũng làm được như em với con, chắc con em phải tiến bộ nhanh nữa cô ạ”.
Nếu bạn là những người mẹ đó, bạn sẽ làm gì?
Raun Kaufman đã từng được chẩn đoán tự kỷ nặng với IQ dưới 30 lúc 18 tháng tuổi, nhưng bây giờ anh là một diễn giả và chuyên gia tự kỷ nổi tiếng, tác giả cuốn sách “Vượt qua chứng tự kỷ”. Anh khuyên những người mẹ ở trong hoàn cảnh này điều đầu tiên nên làm là “không phán xét” những người đang phán xét mình.
Anh nói rằng “Bạn không cần phải thuyết phục chồng/bố/mẹ bạn làm theo bạn, trách nhiệm của bạn chính là điều chỉnh phản ứng của bạn và sự khó chịu của bạn xung quanh họ”.
Khi bạn thấy chồng/bố/mẹ làm những gì ngược lại với bạn, hãy thoải mái, giải phóng khỏi nhu cầu cần thay đổi tình huống đó. Điều này sẽ tạo ra thay đổi lớn cho con bạn. Dù sao thì con bạn cũng đang nhìn thấy ít nhất 1 người thoải mái yêu thương, không tranh giành kiểm soát với mình.
Chìa khoá là nói với mình “mình sẽ làm mẫu không phán xét”. Bạn không chỉ không phán xét các hành vi của con, bạn sẽ không phán xét những người khác nữa, những người đang khó chịu, đang phản ứng, đang ép con, đang làm ngược lại với bạn. Hãy tin rằng họ đang làm những gì tốt nhất mà họ biết cho con bạn.
Càng ngày tôi càng hiểu rằng người duy nhất chúng ta có thể thay đổi là chính mình. Nếu thật sự bạn muốn những điều tốt cho mọi người, hãy yêu thương họ như chính họ, và nếu bạn học được cách không phán xét, nhiều khả năng mọi người sẽ được cảm hoá và họ sẽ thay đổi.
Hoa Le
Komentarze