Khi mới bắt đầu học phân tích hành vi ứng dụng, tôi hào hứng lắm, thấy cái gì cũng có lý, và một nguyên lý chính của nó là phần thưởng củng cố hành vi. Đúng thế, nếu bạn cho trẻ tập nói một miếng sô cô la mỗi khi trẻ nói, thì trẻ sẽ chịu khó nói hơn. Nếu bạn khuyến khích nhân viên của mình bằng những khoản tiền thưởng đáng kể, họ sẽ làm việc chăm chỉ hơn.
Tuy nhiên tôi bắt đầu gặp khó khăn khi dùng phần thưởng để dạy cho các bé đặc biệt. Tôi còn nhớ mình ngồi trên bàn với một cậu bé tự kỷ 8 tuổi và thời điểm đó tôi muốn dạy cậu nhận biết số lớn số bé. Phần thưởng là bim bim trong cái hộp tôi để gần đó, sau khi bé lấy đúng được số lớn hơn hay nhỏ hơn theo yêu cầu 3 lần trong cặp các số thì sẽ được ăn một ít bim bim. Lúc đầu cậu cũng tập trung và lấy được vài số đúng, nhưng chỉ một lúc sau cậu không còn để ý đến các con số, chỉ lấy thật nhanh một con số nào đó đưa cho tôi và cũng không quan tâm đến bim bim nữa. Tôi hỏi ý kiến cô giám sát của mình là lúc đó là tiến sĩ phân tích hành vi, cô ấy bảo “chị phải thưởng liên tục hơn (tức là thay bằng thưởng sau mỗi 3 lần thì nên thưởng sau hai lần hoặc 1 lần) hoặc tìm các phần thưởng khác có giá trị hơn”.
Tôi đã bỏ không biết bao nhiêu thời gian vào việc tìm kiếm và đánh giá các phần thưởng khác nhau với trẻ (trong phân tích hành vi ứng dụng, chúng tôi được học cách đánh giá phần thưởng với trẻ rất bài bản và “khoa học”, giống như làm các thí nghiệm trên trẻ, có các dữ liệu và báo cáo đầy đủ). Nhưng sau một thời gian thực hành, tôi nhận thấy phần thưởng nào cũng chỉ làm cho trẻ nghe lời trong một thời gian ngắn, đặc biệt là không thể làm trẻ thích những gì tôi muốn dạy. Chỉ từ khi tôi thay đổi cách tiếp cận, tôi hoà mình và làm theo những gì trẻ muốn trước, không yêu cầu điều gì khi trẻ chưa sẵn sàng, thì hầu như trong buổi trị liệu nào tôi cũng có thể làm cho một đứa trẻ nhìn hoặc tương tác với mình, hoặc làm theo yêu cầu của mình, vui vẻ và tự nguyện.
Sau này khi học kỹ hơn về cảm xúc và tâm lý của con người, tôi hiểu rằng mối quan hệ giữa phần thưởng và động lực phức tạp hơn rất nhiều so với những nguyên lý mà phân tích hành vi ứng dụng mặc định.
Có một nghiên cứu tâm lý thú vị về phần thưởng được thực hiện trong một trường mầm non. Các nhà nghiên cứu quan sát trẻ trong vài ngày, họ tổng hợp danh sách những đứa trẻ thường dành thời gian rảnh rỗi ngồi vẽ trong “góc nghệ thuật”. Họ đã chia danh sách này thành ba nhóm ngẫu nhiên. Họ cho các bé trong nhóm thứ nhất xem giấy khen “ hoạ sĩ xuất sắc” , có một dải ruy băng màu xanh và thông báo rằng chúng sẽ nhận được giấy khen đó nếu vẽ một bức tranh. Nhóm trẻ thứ hai không được cho biết về giấy khen chúng sẽ được tặng, chỉ được hỏi liệu chúng có muốn vẽ một bức tranh không và khi chúng hoàn thành, các nhà nghiên cứu đã làm chúng ngạc nhiên với giấy khen “người vẽ giỏi”. Nhóm thứ ba chỉ được mời vẽ tranh nhưng không được thưởng gì cả.
Mấy hôm sau, các nhà nghiên cứu quay lại để xem việc thưởng có ảnh hưởng gì đến cách những đứa trẻ yêu thích nghệ thuật này tiếp tục vẽ không. Họ nghĩ rằng những đứa trẻ trong nhóm đầu tiên sẽ vẽ nhiều hơn vì hành vi đã được củng cố, nhưng điều đó đã không xảy ra. Những đứa trẻ ở nhóm thứ hai và thứ ba vẫn vẽ nhiều như trước đây. Tuy nhiên, những đứa trẻ trong nhóm đầu tiên (phần thưởng mong đợi) lại vẽ ít hơn một cách đáng kể. Khi không có giấy khen, nghệ thuật dường như đã mất đi sức hấp dẫn với chúng. Trong khi đó, động lực bên trong của nhóm trẻ thứ hai với nghệ thuật không hề bị mất đi, khi trẻ không biết là phần thưởng sẽ đến, tức là phần thưởng không phải là lý do để chúng vẽ mà chỉ là một điều may mắn bất ngờ. Đôi khi những phần thưởng bất ngờ cũng có thể bổ sung cho động lực sẵn có.
Travis, một người tự kỷ và là tiến sĩ tâm lý, đồng giám đốc điều hành tổ chức Aspergerexpert.com, kể rằng ngày bé cậu rất thích đem cây cào cỏ đi dọn vườn cho các nhà hàng xóm xung quanh, và rất vui khi thỉnh thoảng được cho vài đồng đô la. Sau này khi làm chủ hẳn một công ty chuyên dọn vườn thì cậu lại rất ngại đi làm, bởi vì lúc này cậu phải làm chứ không muốn làm. Cậu cho rằng động lực bên trong sẽ bị vô hiệu hoá khi ai đó bắt đầu làm việc để đạt được phần thưởng.
Phần thưởng hoặc những lời khen có thể sẽ rất tuyệt vời nếu nó không phải là lý do chính để chúng ta làm điều gì đó, giống như một bác sĩ có lý do chính để làm việc hàng ngày là giúp đỡ mọi người, hoặc khi phần thưởng được gắn vào nhiệm vụ một cách tự nhiên khi bạn thấy hứng thú trong việc làm điều gì đó tử tế cho người khác.
Tạm biệt bim bim và các thí nghiệm phần thưởng, giờ đây những đứa trẻ đặc biệt đã thích thú tương tác và làm theo yêu cầu của chúng tôi vì chúng thật sự muốn, tôi tin rằng chúng biết những điều đó làm chúng tôi hạnh phúc.
Hoa Le
Comments