top of page
  • Writer's pictureHoa Le

NIỀM TIN VÀ KỲ VỌNG

Rosethal là một nhà tâm lý nổi tiếng, năm 1968 ông làm một nghiên cứu để tìm hiểu xem thầy cô giáo sẽ phản ứng khác thế nào với một số học sinh nếu được biết là các học sinh đó có khả năng học tập tốt hơn những học sinh còn lại.


Ông đã cho tất cả học sinh ở một trường cấp 1 làm một bài kiểm tra đầu năm gọi là bài kiểm tra năng lực chung và sau đó ông chọn một số học sinh hoàn toàn ngẫu nhiên (bằng cách rút thăm) làm các học sinh nhiều triển vọng và ông nói với giáo viên là chúng có IQ (điểm kiểm tra trí thông minh) cao hơn các học sinh còn lại. Sau đó ông bắt đầu theo dõi cách các giáo viên tương tác với học sinh và cuối năm học đó ông cho chúng làm một bài kiểm tra trí thông minh khác. Đúng như giả thuyết của ông, các học sinh nhiều triển vọng này đã cho kết quả IQ cao hơn hẳn các học sinh còn lại. Ông nhận thấy 4 yếu tố tạo nên kết quả này bao gồm: giáo viên giao tiếp với các học sinh nhiều triển vọng thân thiện hơn, truyền đạt cho chúng nhiều thông tin hơn, cho chúng nhiều cơ hội trả lời hơn và khen chúng nhiều hơn.


Niềm tin và kỳ vọng của chúng ta về con mình có tác động thật sự đến việc học tập và thành tựu của con trong tương lai, theo như hiệu ứng Rosethal (hay hiệu ứng Pygmalion) mà nghiên cứu trên đã chứng minh. Nếu bạn tin con bạn thông minh và có khả năng, bạn sẽ thể hiện điều đó một cách vô thức trong lời nói và hành động của bạn. Con bạn sẽ nhận được thông điệp rõ ràng và rất nhiều khả năng nó sẽ học tốt hơn.


Là cha mẹ, chúng ta luôn kỳ vọng con mình sẽ trưởng thành và trở thành những người có ích cho xã hội, nhưng hình như những gì chúng ta nói và hành động cho trẻ thấy chúng ta chưa hoàn toàn tin tưởng chúng.


NIỀM TIN của chúng ta về con sẽ ảnh hưởng đến HÀNH ĐỘNG của chúng ta hướng đến con, hành động này sẽ lại ảnh hưởng đến NIỀM TIN của con về bản thân mình, niềm tin này quyết định HÀNH ĐỘNG của con hướng đến chúng ta, hành động này sẽ củng cố lại NIỀM TIN ban đầu của chúng ta về con.

Chẳng có gì lạ là khi chúng ta tin rằng con mình lười biếng hoặc không thể làm được điều gì đó, nhiều khả năng con sẽ cho bạn thấy là con thật sự lười biếng hoặc không có khả năng. Hãy cẩn thận với những gì bạn nói với con và những gì bạn nói ở gần con. Con bạn nghĩ thế nào về bản thân chúng và khả năng của chúng là rất quan trọng.


Thêm nữa, khi thấy con mình gặp một vấn đề gì, chúng ta luôn lo lắng liệu con có thể vượt qua được không? nếu câu trả lời là không thì chúng ta thường sẽ làm hộ hoặc giải quyết giúp con, và trong rất nhiều trường hợp thì chúng ta nghi ngờ về khả năng của con. Như thế chúng ta đã cho con thông điệp “mẹ không tin con có thể giải quyết được vấn đề này”, làm cho con tin rằng nó sẽ có ít khả năng đối phó được với các thử thách tương tự trong tương lai.


Travis là một người tự kỷ và là một trong hai giám đốc điều hành của tổ chức Aspergerexperts, anh khuyên chúng ta nên áp dụng hiệu ứng Pygmalion và nên mặc định rằng con chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được các vấn đề của chúng, và chỉ nên đóng vai trò “hỗ trợ” chứ không nên là “cứu tinh”.


“Phần lớn, con bạn sẽ không cần bạn làm hộ, thực ra hầu hết mọi trường hợp, con bạn thậm chí chẳng cần sự trợ giúp nào cả. Chúng cần tự xoay xở và tìm ra lý do của việc chúng làm. Khi cần, thường chúng chỉ cần một huấn luyện viên, một người bạn, một người hỗ trợ, hướng dẫn. CHÚNG CẦN NGƯỜI TIN TƯỞNG MÌNH, có thể là cho chúng thấy chúng thiếu một phần gì đó, chúng cần được cung cấp những kiến thức và nguồn lực để làm công việc của mình… chúng cần cây gậy, chứ không cần một cái xe lăn bằng điện”.


Hoa Le

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page