top of page
  • Writer's pictureHoa Le

NIỀM TIN

Updated: Jul 11, 2021

Thỉnh thoảng tôi có cơ hội được tâm sự với các phụ huynh của trẻ tự kỷ, họ thường là những người cha, mẹ còn trẻ, hàng ngày phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, và các khó khăn đó thường ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình của họ. Chắc ai cũng đồng ý với tôi rằng một mối quan hệ nghiêm túc hoặc hôn nhân bản thân nó đã là một thử thách rồi, sau đó có con lại thêm một thử thách nữa, rồi nếu con lại bị chẩn đoán tự kỷ nữa, với nhiều mối quan hệ đó là những thử thách ngoài khả năng chịu đựng của con người.


Nhưng tôi cũng biết nhiều gia đình có con tự kỷ cha mẹ vẫn yêu thương nhau và với một số gia đình thì cha mẹ còn gắn bó với nhau nhiều hơn từ khi biết con có tự kỷ. Điều này chứng tỏ việc có con tự kỷ không quyết định sự thành công hay thất bại của các mối quan hệ gia đình.


Khi bạn mới biết con mình tự kỷ, nếu bạn gặp một người lạc quan và là một bà mẹ có con tự kỷ đã giúp con mình tiến bộ rất nhiều, bạn sẽ thấy đỡ lo lắng và sẵn sàng bắt tay vào can thiệp cho con. Nhưng nếu bạn gặp một người không hiểu gì về tự kỷ nhưng lại tiêu cực, bạn sẽ đau khổ và bối rối.


Hai người này đã đem lại cho bạn những niềm tin, và đó là những niềm tin hoàn toàn khác nhau về cùng một sự kiện (chẩn đoán tự kỷ của con bạn), những niềm tin đó dẫn đến những cảm xúc và hành động khác nhau của bạn.

Niềm tin của chúng ta có thể đến từ cha mẹ, trường học, truyền thông, những trải nghiệm của bạn trong qúa khứ… Chúng là những kết luận/suy nghĩ của chúng ta về một sự kiện. Niềm tin của chúng ta, chứ không phải là sự kiện đó, sẽ quyết định chúng ta cảm thấy thế nào và làm gì.


Mỗi khi tôi làm việc lần đầu tiên với một gia đình của trẻ tự kỷ, thường cha mẹ không tin vào khả năng của mình, họ nói họ không kiên nhẫn, thiếu năng lượng, không sáng tạo… tóm lại là không thể làm những gì tôi cho họ thấy họ cần làm để giúp con mình. Nhưng chỉ cần sau một thời gian ngắn, họ đều có thể ngồi bắt chước con làm đi làm lại một hành động trong vòng 30 phút cho tới 1 tiếng, họ có thể nhảy múa ăn mừng khi con nhìn họ, họ còn nghĩ ra những trò chơi để giúp con tương tác mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến.


Niềm tin của họ đã thay đổi chỉ sau vài lần khi họ thấy con mình vui vẻ, cười và hạnh phúc khi được chơi trên nền tảng của sự chấp nhận và tình yêu thương.


Các bạn hãy thử xem, nếu có niềm tin nào đó hiện tại đang làm cho bạn cảm thấy khó chịu và hành động tiêu cực, hãy tìm một niềm tin khác thay thế. Nếu từ trước đến nay bạn vẫn tin rằng con bạn sẽ không thể làm được một điều gì đó, thì bây giờ bạn hãy tin rằng bé sẽ làm được, chỉ là bé chưa làm được tại thời điểm này mà thôi, điều đó sẽ giúp bạn cố gắng hết sức mình và tạo mọi điều kiện để giúp bé làm được nó. Đã có rất nhiều cha mẹ giúp con vượt qua được các thách thức của tự kỷ.


“Our only limitation is our belief that it is so” — Dr. Moshé Feldenkrais

(Tạm dịch: Giới hạn duy nhất của chúng ta chính là chúng ta có niềm tin rằng đó là giới hạn)


Ông là người sáng lập ra phương pháp Feldenkrais, sử dụng các chuyển động nhẹ nhàng với sự tập trung để mang đến sự nhận biết và giúp mọi người cải thiện cuộc sống.


Hoa Le

54 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page