top of page
Writer's pictureHoa Le

NHỮNG NGƯỜI KHÁC


“Có anh chàng nọ rất sợ con gà, bởi anh ta nghĩ mình là hạt bắp. Bất cứ lúc nào thấy con gà, dù tuốt đằng xa, anh ta cũng đâm đầu bỏ chạy. Gia đình thấy vậy liền đưa tới bệnh viện tâm thần mặc cho anh ta cứ khăng khăng mình không có bệnh. Bác sĩ khuyên nên ở lại một tuần để theo dõi, rốt cuộc anh ta cũng đồng ý. 
Bác sĩ dặn cô ý tá phải bắt anh ta suốt ngày lẩm bẩm liên tục một câu duy nhất: “Tôi là một con người chứ không phải là một hạt bắp”. Cô y tá này còn cẩn thận, bắt anh ta chép câu đó xuống mỗi ngày cả ngàn lần và còn kiểm tra đột xuất nữa. Tới ngày thứ bảy, bác sĩ gọi anh ta lên phòng, trước mặt gia đình, bác sĩ cẩn thận hỏi: “Này anh kia, anh là cái gì nè, nói cho tôi biết đi!”. 
Anh chàng cười như trúng tủ: “Dạ thưa bác sĩ, tôi là một con người chứ không phải là một hạt bắp!”. “Tốt quá! Vậy là anh có thể chuẩn bị về nhà được rồi”, bác sĩ đáp. Vừa ra khỏi phòng, anh chàng chết ngất khi thấy một con gà loanh quanh trước cửa. Anh ta hét lên một tiếng thất thanh rồi bỏ chạy thục mạng. Thế là mọi người cùng rượt đuổi theo, bác sĩ kêu to: “Anh kia, hồi nãy anh nói anh là cái gì mà sao bây giờ lại còn bỏ chạy?”. Anh chàng bệnh nhân có gương mặt như quả dưa đắng, mếu máo: “Tôi biết tôi là một con người chứ không phải là một hạt bắp, nhưng con gà thì sao nó biết được, thưa bác sĩ?”.
Trên đây là câu chuyện trong cuốn “Làm như chơi” của Thầy Minh Niệm mà tôi đã đọc và nghe rất nhiều lần. Hôm nay khi nghe một cô giáo trả lời phụ huynh về cách dạy con tự tin hơn làm tôi nhớ lại câu chuyện này.

Cô giáo nói mẹ có thể dạy con cách tự tin hơn bằng cách hướng dẫn con giơ tay lên và tự nói “tôi tên là…, tôi giỏi toán, tôi biết ABC, tôi tự tin”, làm nhiều lần như vậy thì con sẽ tự tin.…Hình như đó cũng là cách tôi được học nhiều năm trước đây, một trong những cách dạy trẻ tự kỷ các kỹ năng xã hội và thỉnh thoảng nó cũng đem lại kết quả. Nhưng nếu đứa trẻ hàng ngày vẫn nhận rất nhiều lời nhận xét phê bình từ bố mẹ, các thầy cô giáo, ra đường vẫn bị người khác kỳ thị, khi nó làm toán thì chẳng ai khen mà chỉ tập trung vào bắt nó phải cố gắng học tiếng Việt là môn mà nó khó học nhất, thì liệu việc nó nói với bản thân mình hàng ngàn lần là “tôi tự tin” có mang lại sự tự tin thật không? vì giống như “con gà thì làm sao nó biết được tôi không phải là hạt bắp” vậy, đứa trẻ ấy làm sao nó có thể tin rằng những người khác biết rằng nó tự tin?


Lauren Casper, một người mẹ có con tự kỷ, đã thay mặt rất nhiều gia đình có con tự kỷ nói cho chúng ta hiểu rằng “phần khó khăn nhất của những đứa trẻ tự kỷ không phải là bản thân “chứng tự kỷ” mà là NHỮNG NGƯỜI KHÁC”.


Hầu hết các cha mẹ của trẻ tự kỷ đồng ý rằng nuôi dạy trẻ tự kỷ rất vất vả, thường đến các buổi tối thì cha mẹ kiệt sức và nhiều khi họ phải chui vào nhà tắm khóc thầm. Nhưng khi trả lời câu hỏi “khó khăn lớn nhất là gì” thì họ không cần phải nghĩ và nói ngay “NHỮNG NGƯỜI KHÁC”. Cha mẹ cho rằng, những người lạ không nhìn thấy khuyết tật rõ ràng và thường không hiểu (những đứa trẻ tự kỷ của chúng ta trông rất khôi ngô) vì chẳng có ai gắn lên áo đứa trẻ những dòng chữ giải thích tự kỷ là gì. Họ thường cho cha mẹ và cả trẻ những nhận xét đầy miệt thị khi trẻ có các hành vi không phù hợp.


Thậm chí cha mẹ còn gặp khó khăn cả với những người không phải là người lạ, có thể họ không cố tình, nhưng vì họ không có nhiều kinh nghiệm với tự kỷ, khi trẻ liếm mọi thứ xung quanh mình, cười vô cớ, ngửi lung tung… thì những cái nhìn mà cha mẹ nhận được thật đáng sợ!

Để giúp một cộng đồng lớn chấp nhận và không phán xét trẻ sẽ cần rất nhiều thời gian, tôi tin rằng chúng ra có thể bắt đầu từ những người gần trẻ nhất, xin các cha mẹ và giáo viên, ông bà và các thành viên khác trong gia đình của trẻ tự kỷ hãy thông cảm, tìm hiểu những khó khăn của trẻ, cố gắng nhìn nhận những điều tốt đẹp mà trẻ đang có (nhiều lắm!) để động viên và giúp trẻ ngày càng tự tin hơn để trẻ được hạnh phúc và phát triển, cũng là để giúp chính cha mẹ với khó khăn lớn nhất của mình.

Hoa Le

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page