top of page
  • Writer's pictureHoa Le

NHỮNG ĐỨA TRẺ "HƯ"

Có một cậu bé tất cả chúng tôi đều yêu quý, bé đã đến với chúng tôi được nhiều tháng nay và một trong các trò chơi yêu thích của bé trong phòng chơi cũng như ở nhà là viết chữ hoặc xếp chữ cái thành chữ, bây giờ bé đã tự đọc và viết được.


Bé thường hỏi chúng tôi rất nhiều, đôi khi đó là các câu hỏi để biết rõ xem giới hạn đối với mình là những gì “Cô ơi con có được ném đồ không?” “Con có được hét không?” “Con có được vẽ lên tường không?”. Đôi khi bé rất quan tâm và hỏi về các thầy cô “Tại sao chú lại ốm?” “Tại sao cô lại nhiều nếp nhăn vậy?” (câu này chỉ dành cho mình tôi), “Khi còn bé cô có thích hát bài này không?”. Có những khi bé hỏi về những khái niệm mà chỉ có người lớn mới quan tâm như “Ít tiền là gì?” hay “Khổ là gì?” hay “Lúc bé mình có chết không?”…Tất nhiên mỗi câu hỏi của bé đều được chúng tôi trả lời rất vui vẻ và thành thật nhất có thể để một đứa trẻ 5 tuổi có thể hiểu và chấp nhận. Chúng tôi đều đồng ý rằng bé hiểu nhanh và thường trải nghiệm cảm xúc mạnh hơn rất nhiều những đứa bé cùng tuổi khác.


Cho đến một ngày khi bé đang chơi vui vẻ và tự quay ra đánh vào không khí và nói “Cái thằng này, hư quá”, trong suốt ngày hôm đó và những ngày sau thì bé lặp lại câu này nhiều lần nữa làm chúng tôi đều giật mình lo lắng, chắc có ai đó đã nói câu này với bé.


Tôi tin rằng kể cả những đứa trẻ được cho là “con ngoan, trò giỏi” cũng không ít lần làm cha mẹ phải tức giận vì những hành động chống đối hoặc không nghe lời của mình, và chắc đã bị gọi là “hư” trong nhiều hoàn cảnh. Tuy nhiên với những đứa trẻ “emotionally intense” hay “cảm xúc mạnh” như cậu bé nói trên, việc bị gọi là “hư” có thể sẽ như dầu được đổ vào lửa và sẽ làm cho chúng càng khó điều chỉnh cảm xúc của mình.


Điều này nghe có vẻ không được khoa học cho lắm, nhưng kinh nghiệm của tôi với rất nhiều gia đình và trẻ cho thấy rằng, khi người lớn chúng ta mở lòng và tò mò về những gì xảy ra đằng sau từng hành động chống đối hoặc không nghe lời của trẻ, chúng ta sẽ lập tức thấy trẻ bớt chống đối, ít bùng nổ hơn…và nghe lời chúng ta hơn.

Nếu bạn là cha mẹ của một đứa trẻ “cảm xúc mạnh”, hãy nghe Samantha Moe, một huấn luyện viên cho cha mẹ nói về lý do của các hành vi của trẻ như sau:
“Fire in the brain” (tạm dịch Lửa trong Não)
“Bạn hãy tưởng tượng não của con bạn như một ngôi nhà hai tầng. Tầng dưới là nơi giúp trẻ an toàn với các cơ chế sống còn cơ bản, rà soát các mối nguy hiểm. Trong khi đó tầng trên là nơi giúp trẻ tự kiểm soát và đưa ra các quyết định đúng. 
Khi một đứa trẻ “cảm xúc mạnh” cảm thấy mất kiểm soát, không an toàn, hay bị đe doạ, nó đang hoạt động ở tầng dưới của não, tạo ra các hóc môn căng thẳng, điều này ngăn cơ thể đi lên tầng trên để có thể kiểm soát và có khả năng quyết định đúng”.

Tại sao tôi lại nói là việc người lớn gọi trẻ là “hư” có thể như dầu được đổ vào lửa, bởi vì với cấu trúc não đặc biệt của mình, các hành động chống đối của những đứa trẻ “cảm xúc mạnh” thường là do mất kiểm soát, chúng cần được bình tĩnh lại, cần được cảm thấy an toàn, và TRẺ CẦN CHÚNG TA GIÚP ĐỂ BÌNH TĨNH VÀ CẢM THẤY AN TOÀN. Mỗi lời la mắng của người lớn sẽ chỉ càng làm cho trẻ ở lại tầng dưới lâu hơn và khó có thể lên được tầng trên của não hơn.

Theo tôi, những cách tốt nhất để giúp những đứa trẻ cảm xúc mạnh (nhưng thường là rất thông minh và tình cảm) của chúng ta, là ngoài việc tạo cho chúng một môi trường sống, sinh hoạt và học tập an toàn và nhất quán, với các giới hạn rõ ràng phản ứng một cách bình tĩnh với những hành động chống đối, bùng nổ của chúng thì điều quan trọng là đừng bao giờ gọi trẻ là “hư” hay dùng bất kỳ từ nào không tích cực với trẻ.


Hoa Le

57 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page