Mấy ngày qua một tư vấn viên đã tập huấn cho tất cả chúng tôi về phương pháp trị liệu cảm giác mới mà anh đã được đào tạo, trước khi chúng tôi bắt đầu áp dụng nó cho trẻ tự kỷ.
Khi anh kết thúc buổi tập huấn mình đã bỏ nhiều công sức ra chuẩn bị (chuyển tất cả nội dung mình đã học từ tiếng Anh sang tiếng Việt và soạn nó thành một bản thuyết trình đầy đủ nhưng dễ hiểu nhất), một tư vấn viên khác đã lên và ôm anh cảm ơn, một cái ôm bất ngờ nhưng đúng lúc và làm cho tất cả mọi người vui hẳn. Đúng là tất cả chúng tôi đều thấy những gì anh vừa trình bày rất có giá trị và thú vị, nhưng chỉ một người biết dùng “cái ôm” để chia sẻ điều đó.
Sự kiện này làm tôi nhớ lại câu chuyện, “Tôi xây tầm nhìn gia đình bằng những cái ôm” của một nhà văn nữ, người đã tự nuôi dạy rất thành công 3 đứa con của mình trở thành những đứa con biết yêu thương, tự lập và học giỏi.
“Năm đó, con gái tôi vừa đầy 5 tuổi. Một buổi chiều, con hỏi tôi: “Mẹ có biết “người mẹ hiền hạ” là gì không?” Tôi bật cười trước chữ “hiền hạ” của đứa bé con chưa đủ vốn từ để biết chữ “hiền hậu”, hỏi lại xem cháu hiểu “người mẹ hiền hạ” là gì. Con gái tôi giải thích: người mẹ hiền hạ là người lúc nào cũng dịu dàng và vui vẻ với con mình, không quát mắng con kể cả khi con mình sai và nếu con sai, người mẹ hiền hạ sẽ từ từ giải thích và ôm con nhẹ nhàng.
Không hiểu sao những lời nói ấy của con theo tôi mãi về sau. Trong nhận thức của đứa trẻ 5 tuổi, một khái niệm đã hình thành và dù từ ngữ ấy có non nớt đơn sơ cũng đủ cho tôi biết một nhu cầu đã hiện ra rõ rệt trong lòng đứa trẻ: nhu cầu được tin tưởng, được bao dung rộng lượng, được trân trọng “trước sau như một”. Và tôi cũng thấy rõ hình ảnh của mình qua tấm gương phản chiếu ấy: một người mẹ cáu kỉnh, dễ nổi nóng và tức giận với con của mình.
Chuyện gì đã tạo nên tôi trong hình ảnh dễ cáu giận ấy? Một người mà trước đó đã tự nhận là giàu tình thương, kiên nhẫn và điềm đạm? Có một khối tức giận ở đâu đó chưa được tháo ngòi? Tôi cứ tự hỏi và liên tục tự hỏi đến khi tìm được câu trả lời: tôi đang sống không đúng với tầm nhìn của mình. Tôi đang “nhìn thấy” nhiều hơn những gì tôi có thể làm và những thứ tôi đang làm, ngữ cảnh mà tôi đang đặt mình vào, hầu như đi ngược lại với những gì tôi đã “nhìn thấy”. Chính điều đó đã tạo nên một người mẹ bất lực - nguồn cơn của những cáu giận hắt lên con mình.”
Có vẻ những cái ôm của đồng nghiệp chẳng liên quan gì đến những cái ôm của mẹ dành cho con, nhưng chúng đều có thể mang đến những niềm vui và sự chữa lành. Tôi luôn mong muốn những đứa trẻ đặc biệt của chúng ta được ôm nhiều nhất có thể (trừ khi một số bạn quá nhạy cảm có thể sẽ không thích được ôm), rất nhiều giờ chơi trong đó chúng tôi đã dành thời gian để ôm các bạn nhỏ, vì điều đó giúp chúng tôi kết nối với các bạn ấy. Và cũng có những giờ chơi mà chúng tôi dành phần lớn thời gian hoà mình, chỉ để đổi lấy một cái ôm bất ngờ từ bạn nhỏ của mình vào những phút cuối cùng. Đó là những cái ôm vô giá!
Thầy Minh Niệm cũng khuyên: “Hành trình làm cha mẹ là hành trình luôn mang nhiều thử thách, là hành trình suốt một đời người. Bởi trên hành trình đó bao nhiêu sự nóng giận hời hợt vô tâm cả sự dối gian của người làm cha làm mẹ sẽ có nhiều cơ hội bộc lộ ra, nếu cha mẹ sửa mình để làm gương cho con thì nền tảng giáo dục của gia đình đó sẽ luôn có một tinh thần tự tại dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cái sửa mình dễ nhất để có thể mang lại bình an và hạnh phúc cho mọi người trong gia đình nhiều khi chỉ là MỘT CÁI ÔM TRONG IM LẶNG, ai đó đã nói rằng, nỗi bất hạnh lớn nhất không phải là sự mất mát mà là không có được sự sẻ chia dù đơn giản nhất như một cái ôm từ ai đó trong cuộc đời này, khi một cái ôm còn có sức mạnh hơn hàng triệu lời có cánh, nhất là với những người đang có nhiều uẩn ức khó khăn âm ỉ trong lòng”
Hoa Le
Commentaires