Lần đầu tiên cách đây khoảng hai năm tôi được nghe khái niệm này từ Danny Reade, một người tự kỷ. Anh nói rằng những người tự kỷ có nhận thức thần kinh bị lỗi.
Bạn có bao giờ gặp một người và thấy ngay là có gì đó không ổn? Hay có những người mà gặp lần đầu tiên bạn đã thấy rất cảm tình? Hay bạn biết lúc này chưa lúc nên nói chuyện với vợ hay chồng mình về việc đưa tiền cho bố mẹ đẻ của mình xây nhà… Bạn phải cảm ơn “nhận thức thần kinh” của mình đã giúp mình phát hiện ra những dấu hiệu an toàn hay nguy hiểm từ môi trường hay những người khác (và đôi khi là từ cả cơ thể bạn) để giúp bạn đầu tiên là tự bảo vệ mình, và sau đó là thành công trong các mối quan hệ xã hội.
Nhận thức thần kinh là cơ chế của hệ thần kinh tự chủ. Đây là thuật ngữ do Stephen Porges tạo ra để giúp chúng ta hiểu được các phản ứng vô thức của cơ thể với các kích thích từ bên ngoài hoặc bên trong. Chúng ta không cần phải nghĩ mình đang sợ vì cơ thể của chúng ta đã bắt đầu phòng thủ ngay khi có bất kỳ một mối đe doạ nào.
Qua hơn 10 năm làm việc với trẻ đặc biệt, tôi thấy rất rõ là các mối quan hệ tác động mạnh mẽ đến hành vi của trẻ. Kinh nghiệm cho tôi biết phương pháp can thiệp hành vi hiệu quả nhất không phải là kỹ thuật hay các công cụ, mà là tạo ra sự an toàn trong mối quan hệ với trẻ. Nhưng phải đến khi gặp được khái niệm “nhận thức thần kinh” tôi mới hiểu tại sao.
Khi trẻ trải nghiệm nhận thức thần kinh về mối đe dọa, chúng rút lui vào tư thế phòng thủ, dẫn đến một trong ba phản ứng: chạy trốn, chống trả hoặc đóng băng (FFI). FFI là các trạng thái sống còn của cơ thể. Và ở trong các trạng thái này trẻ trở nên nhạy cảm hơn với các kích thích. Nếu trẻ ở trong trạng thái FFI trong một thời gian dài, dần dần cách trẻ cảm nhận thế giới sẽ thay đổi, thế giới sẽ trở nên đáng sợ. Điều đó có nghĩa rằng những kích thích giác quan mà đáng nhẽ không có gì là nguy hiểm hay đau đớn sẽ được não của trẻ tiếp nhận như là một sự nguy hiểm hay đau đớn.
Đây là những gì Danny Reade nói : “Hệ nhận thức thần kinh của người tự kỷ, hệ thống xác định xem họ có an toàn và có cần cảnh giác hay không, có thể thư giãn và kết nối với người khác hay không, không biết khi nào họ an toàn. Và khi họ không biết mình có an toàn hay không, điều tốt nhất nên làm là coi như họ đang không an toàn. Vì điều đó sẽ an toàn hơn cho họ”
Chỉ khi trẻ trải nghiệm cảm giác an toàn, chúng mới có thể thư giãn và tiếp cận với chúng ta, có thể giao tiếp, tuân thủ và tham gia cùng chúng ta. Chìa khóa để giúp trẻ phát triển là đảm bảo chúng cảm thấy an toàn và yên tâm với những người lớn xung quanh. Các mối quan hệ vui vẻ, thoải mái tạo ra một nền tảng cơ thể và não bộ để phát triển tối ưu.
Tôi cho rằng tất cả những người làm việc với trẻ em nên áp dụng khái niệm này, một khái niệm rất quan trọng đối với mọi sự học tập và trưởng thành. Không nơi nào chúng ta cần quan tâm đến sự an toàn trong các mối quan hệ hơn là trong hệ thống giáo dục đặc biệt, nơi trước đây các mục tiêu thường tập trung vào việc đạt được nhiệm vụ chức năng hơn là phát triển xã hội và cảm xúc.
Thay đổi từ coi việc tuân thủ là mục tiêu sang sức khỏe cảm xúc rất quan trọng đối với cách chúng ta hiểu và giúp trẻ đặc biệt. Tôi hoàn toàn đồng ý với câu nói này của Dr. Nicole Beurkens
“ NẾU MỐI QUAN HỆ KHÔNG PHẢI LÀ NỀN TẢNG CỦA CÁCH TIẾP CẬN MÀ BẠN SỬ DỤNG ĐỂ HỖ TRỢ TRẺ PHÁT TRIỂN VÀ ĐIỀU CHỈNH HÀNH VI, BẠN ĐANG LÀM SAI”
Hoa Le
Comments