Danny Reade, một người tự kỷ, viết:
“Khi bạn nói chuyện, bạn có thường xuyên nghe không? Tôi nói là thật sự nghe, không phải nghe để hình thành câu nói tiếp theo của bạn. Bạn có thường xuyên nghe chỉ để nghe người khác không?
Nếu bạn giống mọi người thì câu trả lời là “ít khi”. Nghe sâu sắc là một trong những kỹ năng giao tiếp giá trị nhất mà chúng ta cần học vì nó cho người mà chúng ta đang nói chuyện thấy rằng chúng ta thật sự quan tâm tới họ. Nghe sâu sắc là công nhận cảm xúc của người khác và giúp họ kết nối và bớt cô đơn.
Với những người tự kỷ, được người khác nghe là được cho không gian để xử lý cảm xúc mà không phải sợ hãi, không cần phải khép kín hoặc đi vào trạng thái phòng vệ (điều thường xảy ra với họ). Điều số một mà hầu hết những người tự kỷ cảm thấy thiếu là có một người thật sự nghe họ mà không phán xét”.
Có không ít lần khi cha mẹ khi đem con đến với tôi họ nói “con em chẳng chịu nói, nhưng em biết bé hiểu hết”. Tôi thường yêu cầu họ chơi với con cho tôi xem trước khi tư vấn. Vào phòng chơi, vừa ngồi xuống, họ đã bắt đầu “con chơi cái này đi” “tại sao con lại cho ô tô lên bàn, ô tô phải đi dưới đất chứ”, con muốn mẹ làm gì? Con trèo lên cầu tụt đi?... thậm chí khi con chưa kịp trả lời một câu hỏi thì họ lại nhắc lại câu hỏi đó hoặc chuyển sang câu khác, trong suốt thời gian chơi với con.
Tất cả chúng ta đều muốn trẻ nói và làm mọi cách để giúp trẻ nói, và điều mà chúng ta hay làm là “nói với trẻ”. Nhưng khi chúng ta nói nhiều với trẻ, thì việc nói của chúng ta lấy hết mọi không gian để trẻ có thể nói hoặc khởi xướng, nhiều trẻ biết nhiều từ nhưng chẳng có cơ hội để ghép chúng thành câu vì không có cơ hội thực hành, vì người lớn nói hết mất rồi.
Vì vậy theo tôi chúng ta nên tiếp cận bằng một cách khác: NGHE SÂU SẮC. Khi bạn ở bên trẻ, hãy nghe từng âm thanh, từng lời, từng cố gắng giao tiếp của trẻ. Nhiều người lớn thấy việc này khó thực hiện và phải học mới làm được, bản năng chúng ta luôn muốn lấp chỗ trống bằng lời nói. Nhưng nếu bạn bắt đầu nghe, bạn sẽ nhận ra những đặc điểm của trẻ mà trước đây bạn chưa từng biết, những khả năng giao tiếp kỳ diệu của trẻ.
Làm điều này chúng ta cũng giúp trẻ nghe nhiều hơn, không phải là nghe lời mà là lắng nghe, chú ý và quan tâm đến những gì người khác nói, điều mà trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn. Và bạn sẽ thấy thật sự ngạc nhiên là trong nhiều trường hợp, trẻ khởi xướng khi chúng ta lắng nghe và cho trẻ không gian trước khi chúng ta bắt đầu dạy trẻ nói.
Mười năm làm việc với các gia đình có con tự kỷ đã giúp tôi trong quá trình học nghe sâu sắc, nhưng tôi phải thú nhận là nghe sâu sắc không dễ chút nào, đặc biệt là nghe những người thân của mình.
Hoa Le
Commentaires