Có một phụ huynh hỏi cộng sự của tôi rằng hôm nào chị ấy cảm thấy không có năng lượng thì có nên vào phòng chơi với con không?
Và câu trả lời là “Trong trường hợp này, mẹ hãy để bạn chơi một mình, và mẹ ngồi nghỉ, cố gắng thư giãn đầu óc để có thể vượt qua trạng thái mệt nhanh hơn. Nếu bạn chạy ra yêu cầu mẹ chơi cùng, thì mẹ giải thích nhẹ nhàng với bạn là mẹ đang mệt, con cho mẹ nghỉ một lúc, khi mẹ đỡ mệt thì sẽ chơi với con”.
Một kỹ năng quan trọng cho người chăm sóc trẻ đặc biệt là tự điều chỉnh. Tự điều chỉnh là khả năng theo dõi các trạng thái bên trong mình và điều chỉnh khi cần thiết. Ví dụ, một người mẹ kiệt sức trở về nhà sau một ngày dài làm việc. Ngay khi bước qua cánh cửa, chị thấy đứa con của mình đang nổi cơn ăn vạ. Đứa trẻ dậm chân xuống sàn và hét, "con sẽ không làm bài tập, bài tập đó thật là ngu ngốc và mẹ không thể bắt con làm đâu”. Giọng điệu khiêu khích đó đủ để khiến bất kỳ người lớn nào phản ứng tiêu cực ngay lập tức. Và chúng ta có thể nhảy vào cuộc chiến mà không cân nhắc kỹ vấn đề. Điều này có thể dễ dàng xảy ra vì cha mẹ đã mệt mỏi sẵn và không có năng lượng tinh thần để giải quyết tình huống. Tuy nhiên, một người có khả năng tự điều chỉnh tốt sẽ nhận ra mình cần một vài phút để lấy lại bình tĩnh. Thời gian bổ sung này đủ để cho phép họ điều chỉnh lại trạng thái tinh thần của mình. Họ có thể nằm xuống để nghỉ ngơi thật nhanh, tập vài động tác dãn cơ, thiền, hoặc đơn giản là hít thở sâu.
Nói đến “năng lượng”, tôi lại nhớ đến khái niệm “butterfly effect” (hiệu ứng cánh bướm). Đó là một khái niệm được nhà khí tượng học người Mỹ Edward Lozenz đưa ra để nhấn mạnh về khả năng các nguyên nhân nhỏ cũng có thể tạo ra các hiệu ứng lớn: "Một cái đập cánh của con bướm ở Brazil có thể tạo nên một cơn bão lớn ở Texas".
Khái niệm này đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác và thầy Minh Niệm dùng nó để dạy chúng ta nên sống như thế nào.
Các bạn có biết rằng mọi hành vi của mình đều có thể tạo nên những hiệu ứng lớn lao ở người khác và đáng sợ hơn (nhưng cũng có thể là đáng mừng hơn) là nó sẽ quay lại tác động lên chúng ta với hiệu ứng lớn hơn gấp bội hay không? Những năng lượng chúng ta sản sinh thông qua các cách thể hiện cảm xúc của mình sẽ không biến mất, nó chờ đợi những năng lượng có sẵn trong vũ trụ cùng tần số đưa tới để hình thành các hiệu ứng khác.
“Có khi hiệu ứng tức thì, cũng có khi đến thế hệ con cháu của ta mới hoàn tất hiệu ứng. Nếu ta đã vô cớ đem đến cho người kia khối cảm xúc xấu khổng lồ qua sự phẫn nộ và khinh miệt sai lầm của đại chúng, thì ta sẽ phải đón nhận lại "khoản nợ" ấy cộng thêm "phần lãi" do vũ trụ gửi thêm cũng là lẽ đương nhiên” – trích trong cuốn “Hiểu về trái tim”.
Khả năng tự điều chỉnh để giúp tạo ra các NĂNG LƯỢNG BÌNH AN và những điều tốt đẹp chúng ta làm cho nhau hàng ngày thật sự rất cần thiết đối với mỗi người và chắc chắn sẽ giúp cho những đứa trẻ đặc biệt xung quanh chúng ta được hưởng các hiệu ứng tốt lành.
Hoa Le
Commentaires