Một giá trị có lẽ lớn nhất mà tôi học được trong những năm tháng qua đó chính là tầm quan trọng của “mối quan hệ” giữa con cái và cha mẹ, càng ngày tôi càng hiểu rằng mối quan hệ gắn bó với cha mẹ chính là nền tảng cho sự phát triển của trẻ, bất kể đó là trẻ bình thường hay trẻ đặc biệt.
Trong cuốn sách tôi rất tâm đắc “Nuôi dạy trẻ tuổi teen thời hiện đại”, Loiuse Clarke, huấn luyện viên nuôi dạy con, và là mẹ của 3 đứa con tuổi teen, khuyên chúng ta hãy từ bỏ các kỹ thuật tạo động lực thông thường là dùng phần thưởng hay hình phạt mà nên tập trung vào mối quan hệ với con.
Làm cha mẹ, chắc không ít lần con cái làm bạn phát điên, tất nhiên bạn sẽ cho rằng con và các hành vi của chúng là nguyên nhân làm cho bạn cảm thấy như vậy. Tuy nhiên theo các chuyên gia tâm lý, mối quan hệ của cha mẹ và con thường bị ảnh hưởng nhiều bởi phản ứng của cha mẹ hơn là hành vi của con. Và phải đến tận bây giờ, khi các con tôi đã lớn và qua quá trình làm việc với nhiều gia đình có con đặc biệt, tôi mới hoàn toàn “thấm thía” sự thật này.
Phần lớn nguyên nhân làm cho bạn thất vọng, bực tức, thiếu kiên nhẫn với con cái mình đến từ quá khứ của bạn, đúng vậy, nó là kết quả của cách cha mẹ bạn nuôi dạy bạn, và những niềm tin bạn thừa hưởng từ đó. Không may là những niềm tin này đã ăn sâu vào tâm trí của bạn, trở thành một phần của con người bạn và ảnh hưởng đến cách bạn phản ứng với mọi sự kiện xảy ra với mình.
Nếu bạn được sinh ra trong gia đình theo kiểu truyền thống Việt Nam, có nghĩa là con cái hoàn toàn phải nghe theo cha mẹ, không được phép làm theo ý mình, nếu có ý kiến sẽ bị phạt, thì tất cả những điều đó đã nằm sâu trong ký ức của bạn khi bạn lớn lên, rất khó thay đổi.
Nhiều người trong thế hệ chúng tôi đã sinh ra trong các gia đình như vậy, chúng tôi hầu như chỉ nhắm mắt làm theo lời cha mẹ, hầu hết không được chia sẻ để cha mẹ hiểu mình, hay được nói lên các ý kiến của mình về bất kỳ vấn đề gì, tóm lại là không có cơ hội được là chính mình, chưa nói đến việc nhiều người còn bị cha mẹ đánh khi bị điểm kém hoặc làm cha mẹ xấu hổ.
Tôi không trách các bậc cha mẹ, họ đã làm tốt nhất có thể với những gì họ biết ở thời điểm đó vì nhiều khả năng là họ cũng chưa bao giờ được là chính mình khi còn bé. Tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta đã có cảm giác không có giá trị, không đủ tốt trong con mắt của cha mẹ mình, đó là những vết thương mà chúng ta mang theo mình nhưng không hề cảm nhận được. Cho tới khi…chúng ta có con.
Khi con không nghe lời chúng ta, vết thương “mình không được bố mẹ lắng nghe” sẽ lên tiếng. Khi con không nhận ra những hy sinh của chúng ta dành cho chúng, vết thương “mình không có giá trị” sẽ lên tiếng. Và chúng ta “bùng nổ”, chúng ta gào thét, chúng ta có thể thất vọng đến mức đánh con giống như cha mẹ đã đánh chúng ta.
Bạn nghĩ là do con, và đúng là các hành vi của con đang làm bạn cảm thấy như vậy, nhưng bạn có thấy rằng nguyên nhân chính là các trải nghiệm cảm xúc thời niên thiếu không?
Tôi chắc rằng bạn không muốn con sẽ phải mang những vết thương giống như mình?
Bất cứ khi nào con bạn muốn nói chuyện với bạn hay có dấu hiệu giao tiếp nào, bạn hãy cố gắng bỏ hết những gì mình đang làm và LẮNG NGHE CON, đó là điều tốt nhất bạn có thể làm cho con. Và trước khi bạn quyết định làm hay nói điều gì đó với con, hãy nghĩ “điều mình sắp làm/nói ra có ảnh hưởng đến mối quan hệ của mình với con như thế nào?” rồi hãy hành động.
LUÔN ĐẶT MỐI QUAN HỆ LÊN TRƯỚC!
Hoa Le
Comentarios