top of page
Writer's pictureHoa Le

LO LẮNG VỀ TƯƠNG LAI

Hầu hết chúng ta đều lo lắng về tương lai, thường là chúng ta lo cho bản thân và những người thân yêu của mình. Khi có một đứa con đặc biệt, cha mẹ lo lắng làm sao để con mình trở nên bình thường. Khi có đứa con bình thường chúng ta lo làm sao cho chúng ngoan ngoãn và học tốt. Khi chúng lớn lên chúng ta lo làm sao cho chúng trở thành người tử tế và nuôi sống được bản thân. Khi bố mẹ già chúng ta lo bố mẹ sẽ ốm đau, không biết sống được với chúng ta bao nhiêu lâu nữa.


Tất cả những nỗi lo đó được mặc định là bình thường và cần thiết, cũng không hiểu tại sao, nhưng tôi thấy hầu như bất kỳ ai, ở bất kỳ nền văn hoá nào cũng vậy. Sáng nay ngồi ăn sáng với một người bạn, tôi hỏi thăm về mẹ chị. Bà đã 84 tuổi và đang sống một mình (bố chị đã mất được vài năm). Chị bảo có một tin làm tất cả anh chị em của chị đang rất lo lắng. Đó là việc mẹ chị có bạn trai là một người đàn ông hơn tuổi bà và là hàng xóm mới của bà. Bà đang rất hạnh phúc.


Tôi hỏi chị “Bà đang hạnh phúc tại sao các anh chị lại lo lắng?”, chị nói vì họ tin chắc mẹ và bạn trai chỉ yêu nhau được khoảng sáu tháng là cùng rồi sẽ chia tay, có thể vì mẹ chị đã từng như vậy trong quá khứ, hoặc có thể một phần vì người đàn ông kia quá già rồi, mà sau khi chia tay thì mẹ chị sẽ rất đau khổ. Tôi giật mình, điều này đang xảy ra ở một nước phát triển ư? Những đứa con đều đã ngoài 50 tuổi sợ rằng người mẹ già của mình sẽ phải đau khổ vì thất tình nên không muốn mẹ có bạn trai? Tôi hỏi chị sao chị tin chắc là sau sáu tháng mẹ chị và bạn trai sẽ chia tay nhau? Và tại sao chị biết là mẹ chị sẽ đau khổ?


Và kể cả nếu họ chỉ hạnh phúc với nhau được 6 tháng thì cũng quá tốt chứ sao nhỉ? Tôi tin rằng những người già lại cần có bạn đời bên cạnh hơn người trẻ. Nếu họ càng già thì những giây phút hạnh phúc lại càng quý giá hơn nữa.


Năm trăm năm trước, Michel de Montaigne, triết gia nổi tiếng người Pháp, đã nói: "Cuộc đời tôi ngập tràn những lo lắng khủng khiếp; nhưng hầu hết những điều đó không bao giờ xảy ra”. Các nghiên cứu tâm lý thời nay cho thấy rằng, khi những người tham gia được yêu cầu viết ra những lo lắng của họ trong một khoảng thời gian dài và sau đó xác định điều bất hạnh nào trong số những điều họ tưởng tượng đã không thực sự xảy ra, thì kết quả là 85% những điều họ lo lắng đã không bao giờ xảy ra. Và trong số 15% còn lại, 79% số người tham gia phát hiện ra họ đã có thể xử lý những lo lắng đó tốt hơn mong đợi, hoặc các bất hạnh đó đã dạy cho họ những bài học đáng giá. Điều này có nghĩa là 97% những gì bạn lo lắng thực ra chỉ là do tâm trí sợ hãi trừng phạt bạn bằng những lời phóng đại và có thể là các nhận thức sai lầm.


Câu nói của Montaigne đã khiến mọi người chế nhạo trong suốt 5 thế kỷ, nhưng bạn đừng coi thường lo lắng. Các căng thẳng mà nó đem lại có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Giảm chức năng não bộ, giảm chỉ số thông minh, khả năng mắc bệnh tim, ung thư và lão hóa sớm cao hơn, rối loạn trầm cảm là một số ví dụ.


Lời khuyên “sống trong hiện tại” của đạo Phật chắc ai cũng biết, nhưng mấy ai trong chúng ta có thể sống trong hiện tại, hầu hết chúng ta luôn luôn bị phân tâm bởi các lo lắng về tương lai. Mới đây có một phụ huynh có con tự kỷ đã viết một bài rất cảm động trên nhóm “Chơi với trẻ tự kỷ, tăng động” của chúng tôi về cách chị đi vào thế giới của con để hiểu con. Tôi rất mừng là chị đã bớt lo lắng về tương lai rất nhiều qua những gì chị viết sau đây:

“Có rất nhiều cách để sống. Bạn không cần hoàn hảo. Con bạn cũng không cần hoàn hảo. Mà thực ra không ai hoàn hảo. Ai cũng sinh ra, sống một cuộc đời khác nhau, rồi chết. Nên tôi đã chọn cho mình, cho con mình, cho gia đình mình vui vẻ trong giây phút hiện tại, ở đây”

Hoa Le

128 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page