top of page
  • Writer's pictureHoa Le

LÀM CHỦ

Mỗi người chúng ta đều làm chủ một số của cải, đồ vật hoặc thậm chí con cái khi chúng còn nhỏ, một số người làm chủ được cả vợ hoặc chồng mình. Hôm nay được nghe một cô giáo giảng về “How to take charge of your experience/ làm thế nào để làm chủ chính bạn”, tôi mới thấy thật sự muốn học “làm chủ”.

Một chị phụ huynh sau một tháng từ ngày bắt đầu chương trình trị liệu chơi online, khi được hỏi “chương trình này đem lại cho mẹ những gì?”, trả lời: 
“Ngoài hiểu con hơn, em thấy rằng phải KIỂM SOÁT MÌNH THÌ MỚI CHƠI ĐƯỢC VỚI CON, em thấy là trước đây em gây áp lực cho con nhiều quá, bản thân đem lại cho mình sự bực bội khi mình quát con, bây giờ khi tự mình cảm thấy thoải mái thì em rất thích chơi với con”. 
Chị khoe là đã thấy con tiến bộ, giao tiếp bằng lời của bé hoàn thiện hơn, bé có thể nhìn mẹ tương đối nhiều trong vòng 10 phút tương tác liên tục, bé tập trung và nghe lời cô hơn ở trường… Chị còn kể là khi chị thay đổi và áp dụng cách chơi này với em của bé (14 tháng) thì em bé cũng vui hơn, nói và  bắt chước nhiều. 

Những gì chị phụ huynh của tôi cảm nhận có vẻ rất giống với những gì cô giáo nói:

“Thái độ, cảm giác, những niềm tin, và suy nghĩ hàng ngày của chúng ta khi ở xung quanh trẻ vô cùng quan trọng nếu chúng ta muốn gây hứng thú cho trẻ đến với chúng ta. Khi chúng ta thoải mái, biết ơn, dễ chịu và vui vẻ, trẻ sẽ thấy đó là một lời mời giao tiếp và kết nối”.

Đúng vậy, chúng ta muốn trẻ tương tác với chúng ta, nhưng nếu chúng ta luôn căng thẳng, khó chịu, thì tức là chúng ta đang làm ngược lại với mong muốn của mình. Thậm chí với người lớn cũng vậy, khi chúng ta vui vẻ, bình tĩnh người khác cũng muốn ở gần chúng ta và nghe những gì chúng ta nói.


Một trong các công cụ có thể giúp chúng ta làm chủ chính mình là đặt ra cho mình một intention (ý định) mỗi ngày hoặc mỗi tuần. Ví dụ một sáng thức dậy, bạn sẽ tự nhủ với bản thân “hôm nay/tuần này tôi sẽ thực hiện “YÊU THƯƠNG TRƯỚC, HÀNH ĐỘNG SAU””. Và đó sẽ là thông điệp bạn nói với mình trong suốt ngày hoặc tuần đó. Bạn có thể viết ý định này ra một miếng giấy to và dán nó lên tủ lạnh hoặc một nơi nào đó trong nhà bạn hay qua lại nhiều nhất để tự nhắc nhở.


Tôi học được rằng điều quan trọng là chúng ta cần nghĩ và cảm nhận những gì tốt cho chúng ta, điều đó sẽ nuôi dưỡng tinh thần của chúng ta, và trẻ sẽ dần dần tiếp nhận được thái độ đó từ chúng ta: rằng chúng ta có mục đích, có clarity (biết rõ mình muốn gì), và chúng ta thoải mái.


Hãy ưu tiên sự thoải mái lên trên tất cả những gì chúng ta cần làm, bạn có thể đặt cho mình ý định “LUÔN MỈM CƯỜI” hay “ BIẾT ƠN” để mỗi khi nhìn thấy ai đó bạn đều mỉm cười hay nói lời cảm ơn về những gì đó tốt đẹp họ đã làm, ý định của bạn cũng có thể là "KHÔNG PHÁN XÉT" hay “ BÌNH TĨNH”, để khi những điều bất như ý xảy ra, bạn quay vào bên trong và giúp mình chậm lại, tránh các nhận xét hoặc phản ứng tiêu cực.

“ Khi tôi cần đánh thức con gái dậy cho nó ăn uống, đánh răng, mặc quần áo, ra xe buýt đi học, tôi sẽ nghĩ đến “yêu thương trước, hành động sau”, tức là tôi đã chuẩn bị sẵn cho tôi một thái độ và như vậy thì tất cả những hành động của tôi để giúp con dậy đi học sẽ khác hẳn: tôi sẽ đi vào phòng con tôi và nói “mẹ yêu con” rồi làm mọi thứ trên tinh thần của tình yêu thương đó” - Becky Damgaard.

Nếu có thể hãy chia sẻ ý định của bạn cho ngày hôm nay?


Hoa Le

7 views0 comments

Recent Posts

See All

コメント


bottom of page