Tôi tin rằng sống trong xã hội ngày nay ai cũng đã từng gặp một ánh mắt “kỳ thị” từ người khác. “Kỳ thị là sự phân biệt đối xử đối với người hoặc một nhóm người do có thành kiến với họ”. Sự kỳ thị có thể ở mức toàn cầu như kỳ thị chủng tộc, nhưng cũng có thể là sự kỳ thị của cha mẹ với những đứa con hay gây rắc rối, hay của bạn bè với một đứa trẻ hơi kỳ cục. Sự kỳ thị có khả năng khiến con người cảm thấy tội lỗi về những điều ngoài tầm kiểm soát của họ, và có thể dẫn đến những vấn đề về thần kinh.
Hôm nay tôi đọc tin toà án ở Mỹ đang xử vụ mấy anh cảnh sát da trắng bắn chết một cậu thanh niên da đen khi cậu đi trên đường về nhà. Cậu vừa đi vừa đeo tai nghe nhạc nên không nghe thấy họ ra lệnh cho cậu dừng lại. Trước khi bị bắn, cậu đã kêu lên “Tôi xin lỗi, tôi khác biệt, tôi chỉ muốn về nhà thôi”. Tôi đọc đến đó và cảm thấy thật xót xa, không hiểu tại sao cậu lại nói là cậu khác biệt (different), chỉ vì cậu là người da đen ư?
Hình như ở đâu cũng có kỳ thị. Một số nhóm người bị kỳ thị chỉ vì nguồn gốc của họ như người da đen, người la tinh, người da vàng, người dân tộc thiểu số, người nông thôn, người thuộc tầng lớp lao động. Kể cả trong số những người da trắng thì nước này cũng kỳ thị nước kia, ví dụ như người Bắc Âu hay coi những người Nam Âu là lười biếng, người Tây Âu coi người Đông Âu là đẳng cấp kém hơn mình.
Một loại kỳ thị khác xảy ra với những nhóm người bị kỳ thị khác biệt về mặt sinh học và thần kinh như người đồng tính, người béo phì, người tự kỷ, người tăng động, người khuyết tật, người trầm cảm, người nghiện hút…Thời Covid còn phát sinh ra những dạng kỳ thị mới như kỳ thị người mắc Covid, kỳ thị cả những người dính dáng đến Covid như các nhân viên y tế hay người nhà của người mắc Covid.
Tại sao sự kỳ thị lại tồn tại? Trong lĩnh vực của chúng tôi, nó tồn tại chủ yếu bởi vì mọi người không hiểu bản chất của các rối loạn tâm thần, và cũng từ đó họ có những thái độ tiêu cực hoặc các niềm tin sai lệch về chúng. Thậm chí nhiều nhà chuyên môn cũng có những niềm tin tiêu cực về những người mình chăm sóc. Không ít cha mẹ mang con đến bác sĩ và nhận được những gáo nước lạnh như “Tự kỷ rồi, vài năm nữa biết mặc áo là may” hay “Con chị sẽ không bao giờ có bạn hoặc sống tự lập được đâu”…
Tôi còn nhớ khi học về các rối loạn phát triển, đã có một giả thuyết về tự kỷ là những đứa trẻ bị tự kỷ là do có một “fridge mother/bà mẹ tủ lạnh”. Tất nhiên giả thuyết đó hoàn toàn sai nhưng sự tồn tại của nó cũng đã đủ làm cho những người mẹ có con tự kỷ bị kỳ thị một thời gian dài.
Thậm chí kể cả không có giả thuyết đó thì việc thiếu hiểu biết về các rối loạn phát triển của hầu hết mọi người trong xã hội cũng đã và đang làm khổ không biết bao nhiêu cha mẹ có con đặc biệt và những người đặc biệt. Năm ngoái tôi đã làm việc với một bà mẹ có con có rối loạn Tourrete (có các vận động hoặc lời nói bất thường lặp lại mà không thể kiểm soát). Chỉ kể là chị thường phải chịu đựng những ánh mắt chê trách và lạnh lùng của các cha mẹ ở trường mỗi lần con thực hiện các hành vi bất thường đó, và điều đó làm chị buồn khổ hơn cả rối loạn của con. Có nhiều cha mẹ của trẻ “bình thường” còn kỳ thị đến mức kiến nghị với nhà trường để không cho phép những học sinh đặc biệt vào lớp của con mình.
Rất nhiều người tăng động giảm chú ý nói rằng phần đau đớn và khó khăn nhất của họ không phải là việc giải quyết các triệu chứng của rối loạn này mà là cảm giác tồi tệ, bất tài và cô đơn xấu hổ mà họ có về bản thân do bị những người khác kỳ thị.
Nhà báo Johann Hari, tác giả cuốn sách “Lost Connections/Những Kết nối đã bị mất”, đã cảnh tỉnh chúng ta về sự thiếu hiểu biết về nghiện ngập. Trong hơn một trăm năm người ta đã cho rằng nghiện ngập là do sự phụ thuộc của hệ thần kinh vào chất gây nghiện và các hình phạt đã được áp dụng để giúp người nghiện, thường là tách họ khỏi xã hội và người thân. Nhưng tại sao 99% các con nghiện sau khi đi cai nghiện về lại vẫn tiếp tục nghiện ? Chính vì nguyên nhân của nghiện ngập không phải đơn giản là phụ thuộc vào chất gây nghiện mà gốc rễ là do thiếu kết nối và gắn bó của các con nghiện với gia đình và xã hội.
Đã bao nhiêu chuyên gia đã và vẫn đang cho rằng tự kỷ là một rối loạn về hành vi? Và để giúp trẻ giảm các hành vi bị rối loạn đó, họ đã khuyên cha mẹ dùng những cách can thiệp hành vi nghe có vẻ không hề gây hại như “lấy đi những gì trẻ yêu thích” hoặc “lờ trẻ đi”. Thực ra cách can thiệp này cũng không xa kỳ thị là mấy, chưa kể đến những ánh mắt khó chịu hay giận dữ thường xuyên hướng đến chúng. Nếu chúng ta hiểu rằng các hành vi thách thức của trẻ tự kỷ đến từ sự thiếu kết nối với mọi người, từ những khó khăn và cảm giác thiếu an toàn thường trực của trẻ, thì chính sự kỳ thị mà chúng ta dành cho trẻ đang làm cho cảm giác thiếu an toàn đó trầm trọng hơn.
Nếu bạn đọc bài viết này, tôi mong bạn hãy thử, lần tới khi bạn gặp một người “khác biệt”, hãy nhìn họ với ánh mắt dịu dàng, mỉm cười với họ, và nếu có thể, hãy đến và ngồi bên họ, nói với họ rằng họ thật đáng yêu.
Hoa Le
Comments