Mười năm trước, một buổi sáng, đồng nghiệp của tôi có việc phải ra ngoài và nhờ tôi dạy giúp cậu bé tự kỷ 10 tuổi (chưa có ngôn ngữ, và chưa bao giờ nhìn ai). Lúc đó tôi mới vào công ty, chưa trực tiếp làm việc với trẻ, nhưng tôi đã tìm hiểu nhiều về trị liệu tự kỷ và tôi thấy khi người ta bắt chước các hành vi lặp lại của trẻ thì thường trẻ sẽ nhìn. Tôi thấy cậu bé quỳ xuống sàn và lấy cái dùi trống đánh liên tục lên sàn, tôi quỳ xuống sàn và lấy cái dùi còn lại làm giống hệt như vậy, chỉ không đầy một phút sau, cậu ấy nhìn sang tôi, tôi cười và tiếp tục làm giống cậu ấy, rồi cậu ấy lại nhìn tôi, phải đến 5 lần trong khoảng 10 phút.
Tôi vui mừng khoe với người giám sát của mình lúc bấy giờ là tiến sĩ tâm lý và là chuyên gia phân tích hành vi người Mỹ, nhưng cô gạt ngay đi và nói “chị là nhà khoa học, tại sao chị lại nói đến và áp dụng những phương pháp không có bằng chứng khoa học như vậy”. Vì mới vào nghề nên tôi im bặt và không còn nghĩ đến điều này trong suốt mấy năm tôi dành thời gian và sức lực để có được chứng chỉ phân tích hành vi ứng dụng, một phương pháp mà nhiều người vẫn cho là duy nhất có bằng chứng khoa học cho trẻ tự kỷ.
Khoa học thật sự rất cần thiết, tôi hay tham khảo các nghiên cứu khoa học cho công việc, nhưng càng đọc nhiều tôi càng nhận thấy không phải tất cả những gì khoa học nói đều đáng áp dụng và có nhiều thứ chưa có bằng chứng khoa học có thể rất hiệu quả với nhiều người.
Khoa học nói chúng ta phải có bằng chứng, nhưng bản thân khoa học đã hiểu bản chất của các hiện tượng và rối loạn tâm thần chưa?
Lấy tự kỷ làm ví dụ, chúng ta mới chỉ có thể chẩn đoán tự kỷ qua các hành vi, và hành vi phải là những gì quan sát được và đo lường được, nhưng kể cả quan sát được và đo lường được thì cách mọi người quan sát và đo lường một hành vi có đồng nhất không? Chưa nói đến việc nguyên nhân thật sự của các hành vi đó mới là cái đáng quan tâm đến. Và cảm xúc của trẻ tự kỷ thì sao? Vì nó không quan sát và đo lường được nên bỏ qua?
Tôi thường xuyên nghe các diễn đàn trực tuyến (summit online) hàng năm về tự kỷ, tăng động và các rối loạn phát triển được tổ chức bởi các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các bác sĩ, các nhà tâm lý, các nhà trị liệu, dinh dưỡng, các nhà khoa học thần kinh… Họ đã và đang cố gắng tìm hiểu các nguyên nhân gốc rễ của các rối loạn chứ ít nói đến hành vi, và trong những năm gần đây, họ đồng tình với kết luận chung rằng tự kỷ có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau và các cách can thiệp cần được thiết kế dựa trên từng nguyên nhân gốc rễ của nó.
Ở khắp nơi người ta vẫn áp dụng các phương pháp như chế độ dinh dưỡng không bột mì không sữa không đậu nành, trị liệu âm nhạc, trị liệu động vật, thực phẩm chức năng, trị liệu y sinh, trị liệu hoạt động, vật lý trị liệu, phản xạ thần kinh, mát xa, cân bằng não, tinh dầu…bởi vì chúng đã và đang giúp nhiều người tự kỷ phát triển và giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Hôm nay tôi được nghe một nhà khoa học và cũng là một phụ huynh của trẻ tự kỷ nói rằng sau khi thử nhiều phương pháp (có và chưa có bằng chứng khoa học) không thấy tác dụng thì cuối cùng sữa lạc đà đã tạo nên điều kỳ diệu cho con bà. Bà quyết định đến Somali một thời gian để sinh hoạt cùng với những người dân ở đó và bà phát hiện ra sữa lạc đà không chỉ tác dụng tốt với trẻ tự kỷ mà còn tốt cho nhiều dạng rối loạn hay bệnh lý khác nữa. Bà đã viết cuốn sách “Camel Crazy: Cuộc tìm kiếm những điều kỳ diệu trong thế giới bí ẩn của lạc đà”.
Chắc còn lâu lắm sữa lạc đà, tinh dầu hay cân bằng não… mới có thể trở thành các phương pháp trị liệu có bằng chứng khoa học cho trẻ tự kỷ, nhà khoa học này biết điều đó, bà nói:
“Chúng ta biết rằng KHOA HỌC ĐƯỢC ĐỊNH HƯỚNG BỞI NGUỒN TÀI TRỢ (funding), mà tài trợ thường được định hướng bởi các lợi ích thương mại.
Thế nhưng
“TRẺ CỦA CHÚNG TA KHÔNG CÓ THỜI GIAN ĐỂ CHỜ” – Christina Adams.
Hoa Le
コメント