Con gái tôi từ khi đi học trường nội trú cách đây 4 năm, mỗi lần về nhà, trừ những lần phải ôn thi, cứ thỉnh thoảng lại bảo "buồn quá, ở nhà chẳng có gì vui" hoặc "con làm gì bây giờ". Chắc điều này xảy ra với không ít trẻ.
Một phần đây là vấn đề của những trẻ cần động lực từ bên ngoài nhiều hơn bình thường, nhưng phần lớn nó là vấn đề của cuộc sống hiện đại. Công nghệ, mạng xã hội, xu hướng hưởng thụ và trào lưu các hoạt động ngoại khoá kín mít đã tạo ra một thế giới trong đó trẻ luôn có một cuộc sống bận rộn với ít thời gian để chỉ “sống”.
Thời chúng tôi còn nhỏ chẳng mấy khi bố mẹ phải quan tâm đến việc sau giờ học trẻ con sẽ làm gì. Nếu cảm thấy chán, chúng tôi sẽ chạy sang nhà hàng xóm, cùng nghĩ ra các trò chơi (hồi đó ít các đồ chơi hiện đại như bây giờ). Thường chơi đuổi nhau, trốn tìm, nhảy lò cò ngoài đường, có khi chỉ tụ tập cả lũ nói chuyện lung tung, cãi nhau rồi tự làm lành…rồi đến giờ cơm chiều thì đứa nào về nhà đứa ấy. Mọi kỹ năng vận động, kỹ năng xã hội hay khả năng giải quyết vấn đề đều được học một cách tự nhiên như vậy. Rõ ràng là hồi đó ít ai biết đến rối loạn xử lý cảm giác, hay tự kỷ, tăng động, trầm cảm.
Từ lâu, các nghiên cứu tâm lý đã cho thấy rằng trẻ thật ra rất cần những KHOẢNG THỜI GIAN “BUỒN CHÁN” GIÚP CHÚNG TƯỞNG TƯỢNG VÀ TỰ CẢM NHẬN VỀ BẢN THÂN. Thường trẻ sẽ phát triển các kỹ năng sáng tạo khi chúng tìm cách giải quyết “nỗi buồn chán” của mình. Và sự sáng tạo đó có thể đem lại những mối quan tâm suốt đời cho chúng.
Rất nhiều phụ huynh muốn con mình có thể chơi được một mình nhưng không phụ thuộc vào điện thoại, Ipad hay TV, vì chỉ cần lấy những thứ này ra khỏi tay chúng là họ sẽ được nghe “con buồn”, “con chán”.
Dr. Nicole Beurkens có những lời khuyên cho cha mẹ như sau:
Hãy có một quy định cụ thể về thời gian (lúc nào, bao lâu) mà con bạn được chơi những đồ chơi điện tử đó và thực hiện nhất quán như một giới hạn, tức là không nhượng bộ cho con chơi thêm khi con nói buồn hoặc chán.
Bạn hãy cùng con lập một danh sách những trò chơi/hoạt động mà chúng có thể/đã thích (không bao gồm màn hình), nên làm những điều này khi cả bạn và con đều vui vẻ.
Khi con “buồn” hoặc “chán” bạn sẽ khuyến khích con chọn một hoặc vài hoạt động trong danh sách đó để tự chơi.
Nếu con không muốn chơi cái gì, bạn hãy hoàn toàn thoải mái với điều đó, và để cho con ở một mình.
Một điều quan trọng là khi chúng ta hạn chế con chơi điện tử thì bản thân cha mẹ cũng sẽ phải hạn chế dùng các thiết bị đó trước mặt con. Chúng ta không thể bảo trẻ làm những gì mà bản thân chúng ta không thể thực hiện.
Với trẻ nhỏ và trẻ đặc biệt, việc cha mẹ có thể tìm được thời gian chơi và kết nối với con mỗi ngày là rất quan trọng, tuy nhiên làm cha mẹ không có nghĩa là chúng ta phải luôn làm cho con vui vẻ, HÃY ĐỂ CHO TRẺ “BUỒN CHÁN” một số thời điểm trong ngày.
Hoa Le
Kommentare