top of page
  • Writer's pictureHoa Le

HỌC ĐỂ LÀM GÌ?

Có bao nhiêu người trong chúng ta khi đi làm hoặc trong cuộc sống sử dụng đến nửa số kiến thức đã học trong trường phổ thông, đặc biệt là những kiến thức của những năm cuối? Việc học ngoại ngữ cũng vậy, tôi nhớ mình học 12 năm tiếng Nga trong trường học (hình như còn học giỏi nhất lớp), rồi thêm 8 tháng học tiếng Nga tăng cường thế mà thời gian đầu sang Nga chẳng may giẫm chân vào người khác chỉ biết nói “spasibo” (cảm ơn).

Các nhà cải cách giáo dục dành không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc để thay đổi chương trình học phổ thông, hết năm này qua năm khác, không hiểu trong quá trình đó họ có đặt các câu hỏi “HỌC ĐỂ LÀM GÌ” và “LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRẺ THÍCH ĐI HỌC” không?


Một đứa trẻ đến trường nếu thấy mình học giỏi hoặc ít nhất là không bị phê bình, được giúp đỡ và khuyến khích học những môn mình không giỏi, được dạy bởi những giáo viên tâm huyết, thật sự hiểu và yêu thương, được các bạn quý mến, có thể tương tác với thầy cô giáo và các bạn, không bị căng thẳng bởi các kích thích trong trường học, chắc chắn sẽ thích đi học.

Mong muốn cháy bỏng của rất nhiều cha mẹ có con đặc biệt là muốn con được đi học ở trường với các bạn bình thường, cũng dễ hiểu thôi vì cha mẹ đều có niềm tin rằng con đi học đồng nghĩa với việc con mình giống các bạn, con mình trở nên bình thường.


Nhưng liệu cha mẹ có được phép hay có thời gian tìm hiểu xem con mình đang trải nghiệm những gì ở trường không? cha mẹ có biết tại sao mỗi buổi sáng con lại giả vờ mệt hoặc lần lữa từ chối đi học không, hay chỉ mặc định là con “lười biếng” hoặc “hư”? Mỗi lần tôi nói chuyện với bố mẹ về việc đi học của trẻ đặc biệt là một lần tôi bị thôi thúc phải bênh vực trẻ, kể cả khi điều đó làm cha mẹ không hài lòng. Nếu cha mẹ chịu khó nghe và đọc những gì những người tự kỷ, tăng động hay những người gặp các rối loạn phát triển muốn chúng ta hiểu, thì cha mẹ sẽ thấy chính việc cha mẹ ép con phải đến trường khi chưa sẵn sàng đang càng ngày càng làm mong muốn được đi học của con mất dần.


Hoà nhập là mục tiêu cuối cùng của chúng ta cho trẻ đặc biệt, nhưng ai cũng biết rằng không phải chúng ta cứ cho con đến trường là con hoà nhập được, cần đúng thời điểm và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cha mẹ với nhà trường để có thể giúp cho việc đến trường của con được thành công. Chúng ta muốn trẻ học giao tiếp xã hội, nhưng nếu mỗi lần giao tiếp đều là bị ép buộc hoặc mang đến thất bại cho trẻ (cô giáo phán xét, bạn bè trêu chọc, bắt nạt) thì đứa trẻ của chúng ta sẽ càng thấy giao tiếp không thú vị, càng sợ hãi giao tiếp, tức là càng khó trở nên “bình thường”.


Với mỗi hành động mình làm vì con, mong cha mẹ hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng, đừng để kết quả đi ngược với lý do của hành động đó. Học chỉ thật sự có ý nghĩa khi chúng ta giúp nó trở thành mong muốn của trẻ.


Hoa Le

19 views0 comments

Recent Posts

See All

Comentarios


bottom of page