Một phụ huynh mới đăng ký tham gia chương trình của chúng tôi, cả trong buổi phỏng vấn cũng như sau khi đã học xong buổi lý thuyết đầu tiên, chị vẫn chưa hoàn toàn thoải mái với “trị liệu chơi”, chị bày tỏ mong muốn là cho con tự kỷ của mình được tham gia một chương trình “học” đầy đủ, kiểu giống như các bạn đi học ở trường.
Tôi nghĩ là tôi hiểu mong muốn này của mẹ, có vẻ như ai cũng muốn cho con mình được “bình thường”. Nhưng thực ra nếu các bạn nghĩ kỹ thì sẽ thấy làm con người chúng ta đều muốn làm một điều gì đó khác “bình thường” đúng không? Các con tôi cho rằng tôi là một người rất “không bình thường” vì tôi hầu như chẳng quan tâm đến gì khác ngoài thế giới của những đứa trẻ đặc biệt.
Tôi đã đọc được nửa cuốn sách “Carly’s voice” nói về hành trình của một cô bé tự kỷ, cô không nói được nhưng có thể viết sách, và hai điều ấn tượng nhất với tôi là tâm trạng của cha mẹ cô và cách cô học. Cuốn sách này giúp tôi hiểu rõ hơn về những người cha mẹ tôi đang được may mắn đồng hành cùng, tâm trạng họ nếu giống như bố mẹ Carly thì sẽ là một đồ thị hình sin luôn lên xuống theo tình trạng cơ thể, thần kinh, và các tiến bộ của con.
Nhưng cách Carly tiếp nhận thông tin và kiến thức đã làm tôi thật sự kinh ngạc, mặc dù trước đây tôi đã đọc nhiều sách của người tự kỷ viết và biết là trí thông minh của họ không hề giống như kết quả test IQ hay cái nhãn “chức năng thấp”/”tự kỷ nặng” gắn liền với một trong số họ.
Ở giai đoạn sau khi Carly đã giao tiếp qua việc đánh máy được một thời gian, vào cuối năm 2007 đầu năm 2008, cô bắt đầu viết truyện, một câu chuyện tưởng tượng về các con vật trong đó các nhân vật chính là biểu tượng của từng người trong cuộc sống của cô, từ bản thân cô, đến chị gái sinh đôi, bố, mẹ, anh trai, hai nhà trị liệu gắn bó lâu dài nhất với cô và luôn bênh vực cô, cũng là những người đã phát hiện và thúc đẩy khả năng giao tiếp qua đánh máy của cô.
Tôi xin tạm dịch một đoạn bố Carly viết:
“Chúng ta nghĩ chúng ta hiểu con mình –chúng dễ tính hoặc khó tính, thoải mái hoặc cau có, thông minh kiểu sách vở hoặc kiểu đường phố, hoặc không thông minh lắm. Carly, tuy nhiên, chẳng giống ai và luôn luôn thay đổi. Điều này làm tôi thiếu tự tin và hơi lo sợ. Khi nó còn bé, tôi tưởng tượng nó như là một người lạ trong một thế giới xa lạ. Có lẽ nó đã có các cuộc hội thoại trong đầu mình, nhưng vì nó sống trong thế giới mà những người xung quanh nói bằng một ngôn ngữ nước ngoài khó hiểu làm cho nó trở thành người lữ khách bất đắc dĩ giữa chúng ta.
Nhưng tôi đã nhầm. Nó đã và đang nghe, học, và suy nghĩ. Những cái nhìn xa xăm không phải là dấu hiệu chúng tôi đã mất nó. Nó vẫn đang tư duy và xử lý thông tin. Có thể là nó đang viết những dòng cho cuốn sách của mình. Nó đã biết đùa và có các quan sát thông minh. Và suy nghĩ – NÓ LUÔN LUÔN SUY NGHĨ”.
Có rất nhiều cha mẹ khoe với tôi là con của họ biết cái này hay cái kia, kể cả biết nói câu này hay câu kia, mà không hề được ai dạy một cách cụ thể cả. Đó chính là bởi vì trẻ tự kỷ hoàn toàn có khả năng học, nhưng không nhất thiết phải học theo cùng quy trình hoặc phương pháp chúng ta áp dụng cho những đứa trẻ bình thường. Có thể vì trẻ của chúng ta khác thường nên một cách tiếp cận khác thường sẽ phù hợp hơn?
Trị liệu chơi của chúng tôi tập trung dạy trẻ muốn kết nối với mọi người, hiểu được có một người bạn là thế nào, thể hiện tình cảm, thể hiện mối quan tâm thật sự đến suy nghĩ và cảm xúc của người khác, hiểu được các sắc thái xã hội, chia sẻ các mối quan tâm, tiền đề cho khả năng tham gia xã hội thành công. Những kỹ năng mà tôi tin rằng bạn không bao giờ có thể dạy trẻ qua việc ngồi bàn dùng thẻ hoặc chỉ qua các câu chuyện xã hội.
“Việc của chúng ta không phải là giúp cho trẻ thông minh hơn, mà là mở khoá trí thông minh mà trẻ đã có sẵn” – Raun Kaufman, một người tự kỷ.
Hoa Le
Comments