Hãy tưởng tượng khi trời tối và mọi thứ xung quanh yên tĩnh, đột nhiên bạn nhìn thấy một người ngoài cửa sổ, cơ thể bạn bắt đầu phản ứng, đồng tử bạn giãn ra, tim bạn đập nhanh, bạn bắt đầu toát mồ hôi. Niềm tin rằng đang có điều gì nguy hiểm ngoài kia tạo ra một loạt các phản ứng của cơ thể mà bạn không thể kiểm soát, tức là nếu tôi bảo bạn bình tĩnh lại và ngừng các cảm giác đó, bạn sẽ không thể làm được. Nhưng nếu niềm tin của bạn thay đổi, khi bạn thấy người đó là chồng bạn đi làm về muộn – thì phản ứng của cơ thể bạn sẽ tự thay đổi.
Tiến sĩ Bruce Lipton, một người tiên phong trong lĩnh vực ngoại di truyền (epigenetic) và là tác giả của cuốn sách Cơ Sở Sinh Học Của Niềm Tin (The Biology of Belief) đã giúp chúng ta hiểu hơn rất nhiều về sức mạnh của niềm tin và các hiệu ứng Placebo/Nocebo.
Placebo là một loại thuốc giả mà các nhà nghiên cứu bào chế, sao cho nó hoàn toàn không có một tác dụng sinh lý gì đến căn bệnh. Tuy là một liệu pháp tâm lý nhưng dường như placebo không chỉ có khả năng đánh lừa người bệnh, mà còn giúp tăng cường quá trình trao đổi chất trong não bộ, tạo ra những phản ứng sinh hóa có tác dụng chữa trị hiệu quả.
Hiệu ứng placebo chính thức xuất hiện từ năm 1894, với nghiên cứu ban đầu là những viên thuốc không có dược chất trị bệnh, dần được mở rộng hơn thành các dạng như thuốc tiêm, truyền tĩnh mạch hay thậm chí là phẫu thuật. Quá trình sử dụng placebo cho thấy hiệu ứng này thường tỏ ra hữu ích đối với các bệnh lý liên quan đến hoạt động của hệ thần kinh của con người, bao gồm khoảng 65% các loại bệnh.
Bruce Lipton nói rằng thường chúng ta hay nói về hiệu ứng Placebo, nhưng ít khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các suy nghĩ tiêu cực (hay hiệu ứng Nocebo) trong khi chúng cũng có cùng sức mạnh như Placebo, nhưng theo hướng ngược lại.
Chị họ tôi cách đây 10 năm được chẩn đoán ung thư dạ dày, các bác sĩ đã cắt toàn bộ dạ dày của chị và sau đó tiên lượng là chị chỉ sống được 3 tháng nữa. Tuy nhiên chị đã không tin và tìm mọi cách để thay đổi số phận của mình, trong đó có việc chuyển hoàn toàn sang ăn chay, 2 năm sau chị đi kiểm tra lại thì thấy không còn khối u nào trong người nữa và đến nay chị vẫn khoẻ mạnh, hàng ngày ở nhà trông cháu. Tôi đã đọc về một người đàn ông, chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối và cũng được thông báo sẽ chỉ sống thêm được vài tháng. Sau đúng vài tháng thì ông ta chết, nhưng giải phẫu xác cho thấy là các bác sĩ đã tiên lượng nhầm, ông chỉ có một khối u nhỏ, chưa di căn. Có thể người đàn ông này đã không chết vì ung thư mà chết vì niềm tin rằng ông sẽ chết vì ung thư.
Cách đây mấy hôm có một bạn gái nhắn tin hỏi tôi là tự kỷ có thể chữa được khỏi hoàn toàn không và đứa trẻ tự kỷ có thể trở thành đứa trẻ bình thường được không, cô đã đọc nhiều tài liệu và hiểu rằng chưa có phương pháp nào có thể chữa được tự kỷ.
Đây là câu hỏi mà có lẽ những người có dính dáng đến tự kỷ đều đã và đang băn khoăn, đúng là thông tin chính thống kể cả của những tổ chức lớn trên thế giới về tự kỷ, các bác sĩ và một số chuyên gia cũng đem đến cho chúng ta niềm tin là tự kỷ không thể chữa khỏi hay người tự kỷ sẽ không bao giờ trở thành người bình thường. Điều này thật ra không chính xác vì tôi đã gặp cả ngoài đời và trong sách vở những người đã hoàn toàn vượt qua các triệu chứng của tự kỷ và sống một cuộc sống bình thường.
Kể cả nếu tự kỷ khó có thể chữa khỏi, thì liệu những niềm tin như thế sẽ thay đổi những phản ứng sinh hoá nào trong não bộ của cha mẹ những trẻ tự kỷ? Chúng chính là những niềm tin khiến các bạn trở thành nạn nhân, để rồi các bạn sẽ truyền những năng lượng tiêu cực sang con mình, liệu khi đó con bạn có thể cảm nhận được sự an toàn và yêu thương để phát triển không?”
“NIỀM TIN, NĂNG LƯỢNG, CẢM GIÁC VÀ LỜI NÓI CỦA CHA MẸ QUAN TRỌNG HƠN BẤT KỲ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ TỰ KỶ NÀO”- Bruce Lipton.
Hoa Le
Comments