top of page
  • Writer's pictureHoa Le

HÀNH VI LÀ GIAO TIẾP

Năm 2016 khi có được chứng chỉ phân tích hành vi BcaBA sau nhiều năm miệt mài học và thực hành, tôi bắt đầu dạy cha mẹ của trẻ tự kỷ và các giáo viên về hành vi (ABA), lúc đó tôi hoàn toàn tin rằng mọi hành vi của trẻ đều bắt nguồn từ mong muốn đạt được điều gì đó hoặc trốn tránh một điều gì. Tôi đã áp dụng nguyên lý này để làm việc với trẻ tự kỷ và với cả các con của mình, cũng may là cuối cùng tôi cũng nhận ra những gì mình đã làm đi ngược lại với mong muốn giúp được mọi người.


Đó là lúc tôi đã hiểu ra, tất cả mọi hành vi đều là giao tiếp.


Khi trẻ đánh bạn, nói lung tung, trốn tránh, cứng nhắc, bỏ chạy, ném đồ.v.v, tất cả những hành vi đó đều là giao tiếp, là dấu hiệu, giống như cơn sốt của trẻ, đằng sau các hành vi này chắc chắn có cái gì đó. Trẻ có thể không biết được thật sự cái gì đang xảy ra, và bạn sẽ phải trở thành một nhà thám tử, các bạn còn nhớ mô hình hành vi của trẻ là một tảng băng không? Bạn chỉ đang nhìn thấy 1/10 của những gì đang xảy ra qua hành vi, có rất rất nhiều thứ bạn chưa nhìn thấy.


Ở thời điểm hành vi xảy ra, thường bạn không thể hỏi trẻ đang gặp vấn đề gì? bạn cũng không thể hỏi tại sao trẻ lại làm thế, trẻ cũng không biết là tại sao chúng lại làm như vậy. Bản thân người lớn cũng nhiều khi không biết tại sao chúng ta làm những gì chúng ta làm, vì vậy điều quan trọng là biết rằng tất cả những hành vi này đều là giao tiếp và có rất nhiều thứ ở dưới tảng băng.


Sau nhiều năm làm việc với hàng ngàn cha mẹ, các chuyên gia huấn luyện cha mẹ tại tổ chức “Calm the Chaos/ Làm dịu sự hoảng loạn” đã nhận ra một số quy luật cho các nguyên nhân của hành vi, và họ cho rằng chúng cần được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:



Nguyên nhân đầu tiên và phổ biến nhất là thiếu các NHU CẦU CƠ BẢN: con bạn có đang mệt? đang đói? đang cảm thấy không AN TOÀN? những nhu cầu thật sự rất cơ bản, việc không được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản đó có thể gây ra bất kỳ hành vi bạn không mong muốn nào. Tháp nhu cầu Maslow cũng nói đến bản năng cơ thể và an toàn như hai nhu cầu nền tảng nhất. Học thuyết thần kinh đa phế vị của Stephen Porges là học thuyết về sự an toàn, một đứa trẻ không cảm thấy an toàn sẽ rơi vào trạng thái chạy trốn, chống trả hay bất động. Chính vì vậy khi hành vi xảy ra, việc đầu tiên bạn cần phải làm là kiểm tra ngay xem con của bạn có an toàn không, có đói hay mệt không.


Nguyên nhân thứ hai là thiếu KẾT NỐI với mọi người, con bạn có gặp vấn đề với ai ở trường ngày hôm đó không? kết nối là nguyên nhân lớn thứ hai. Kết nối cũng bao gồm cả việc con bạn có cảm nhận là nó kết nối được với bạn không? con có được phép sai lầm không? được là chính con không?


Tiếp đến là các vấn đề GIÁC QUAN: xung quanh có quá ồn ào không? con có đang tìm kiếm kích thích nào không? con có đang cần di chuyển? cần áp lực sâu lên người không? Hay đèn đang quá sáng? Hoặc có quá nhiều thứ đang xảy ra xung quanh? liệu cái quần của con có đang làm cho nó ngứa không? Hầu như tất cả cha mẹ có con có chuẩn đoán rối loạn phát triển đã nghe về rối loạn xử lý cảm giác, và thường nghĩ ngay đến nguyên nhân giác quan, bỏ qua mất các nhu cầu cơ bản và sự kết nối. Nhưng bạn không nên làm thế. Trong khi lại có một số cha mẹ khác hoàn toàn bỏ qua vấn đề giác quan vì không nghĩ là con mình có thể có các vấn đề đó. Bạn cần biết rằng các vấn đề giác quan có thể giải thích được rất nhiều các hành vi của trẻ.


Tiếp theo là thiếu KỸ NĂNG. Tiến sĩ Ross Green, tác giả của nhiều sách về trẻ đặc biệt, đã lập ra một hệ thống về các kỹ năng mà trẻ thiếu để giải thích về hành vi của trẻ. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên ngay lập tức cho rằng trẻ thiếu kỹ năng khi thực hiện một hành vi nào đó, bởi vì nếu con bạn không thấy an toàn hoặc không cảm thấy được kết nối thì cũng không quan trọng là chúng có những kỹ năng nào đó hay không.


Các chuyên gia của “Calm the Chaos” (CTC) còn đưa ra hai nguyên nhân cuối cùng là TRỐN TRÁNH và MONG MUỐN một cái gì đó, các chức năng cơ bản của hành vi theo ABA. Nếu bạn có con có rối loạn phát triển, nhiều khả năng bạn đã được dạy rằng hành vi của con bạn xảy ra chỉ bởi vì con bạn muốn một cái gì hoặc là muốn trốn tránh một cái gì đó.


Qua làm việc với hơn một trăm trẻ có rối loạn phát triển, tôi hoàn toàn đồng ý với kết luận của các chuyên gia CTC rằng: phần lớn trẻ trốn tránh một cái gì đó bởi vì chúng không cảm thấy an toàn, vì chúng không cảm thấy được kết nối, hoặc vì chúng có vấn đề về giác quan tức là có kích thích nào đó làm cho chúng khó chịu, hoặc chúng chưa có kỹ năng để thực hiện yêu cầu của chúng ta. Luôn có lý do tại sao chúng lại trốn tránh hay tại sao chúng lại nhất quyết phải có được cái mà chúng muốn, rất nhiều trường hợp là bởi vì điều đó đem đến cho chúng cảm giác an toàn. Cũng có thể là chúng đang cố để thỏa mãn được nhu cầu kết nối hay các nhu cầu giác quan của mình.


Việc hiểu tại sao trẻ lại thực hiện các hành vi không mong muốn đã giúp nhiều các cha mẹ tại Gánh Xiếc thay đổi niềm tin về cách tiếp cận với con và giúp con họ cảm nhận được sự an toàn và kết nối, nền tảng để giúp trẻ phát triển.


Hoa Le

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page