top of page
  • Writer's pictureHoa Le

GIAO TIẾP BẰNG LỜI

Mục tiêu để giúp trẻ giao tiếp bằng lời quan trọng nhất trong chương trình trị liệu chơi của chúng tôi là : “TÒ MÒ VÀ QUAN TÂM ĐẾN CHIA SẺ THÔNG TIN”.


Tuy nhiên càng làm việc với phụ huynh có con tự kỷ tôi càng thấy khó để họ tin rằng khi trẻ thật sự quan tâm và tò mò, trẻ sẽ giao tiếp bằng lời (tất nhiên trừ các trường hợp trẻ gặp khó khăn thể chất trong việc phát ra âm thanh). Cũng đúng thôi, bản thân tôi để thật sự cảm nhận được điều đó đã phải mất rất nhiều thời gian, sau khi học qua các khoá học tại nước ngoài, học lại online không ít hơn chục lần, soạn nó ra tiếng Việt, giảng cho rất nhiều phụ huynh.

“Con em rất thích chơi ở ngoài, mỗi lần ra ngoài con vui lắm, và em thấy rõ ràng bé giao tiếp bằng lời tốt hơn”- một phụ huynh nói. Tôi hỏi cô “tốt hơn như thế nào?” cô trả lời “vì ra ngoài có nhiều thứ mới lạ nên bé phải yêu cầu mẹ nhiều hơn để mẹ lấy/cho/cho phép/mua cho bé”. Một phụ huynh khác thì nói: "Mỗi khi con đến yêu cầu em làm gì đó, thì em sẽ nói là mẹ bận và bảo con sang yêu cầu các cô chú khác có mặt ở đó để bé có cơ hội giao tiếp với các cô chú và dần dần kết nối tốt hơn".  

Khi tôi còn thực hành ABA/VB (Phương pháp Hành Vi Ngôn ngữ) giao tiếp bằng lời đầu tiên mà tôi dạy trẻ cũng chính là mand (yêu cầu/xin), lúc đó tôi cũng tin như những phụ huynh mà tôi gặp ở trên: để giúp trẻ nói đầu tiên là phải tạo cho trẻ các cơ hội để yêu cầu chúng ta khi trẻ muốn một điều gì đó. Và tôi tin rằng ít nhất 90% các phụ huynh có con tự kỷ đều đã được học điều này, và học nhiều, học kỹ đến mức mà họ khó có thể tin được là lại có cách khác để thúc đẩy giao tiếp bằng lời ở con.


Thật may mắn là sau đó vài năm tôi đã được học từ những người tự kỷ, rằng họ không giao tiếp được bằng lời vì họ không cảm thấy an toàn, họ không cảm thấy kết nối đủ với chúng ta để tò mò và quan tâm đến việc chia sẻ thông tin. Và chắc chắn việc chúng ta không đáp ứng những dấu hiệu giao tiếp của họ ngay lập tức sẽ làm cho họ càng khó kết nối và cảm thấy mất lòng tin vào khả năng sẵn sàng giúp đỡ của chúng ta. Tôi biết rất nhiều cha mẹ khi thấy con đã dùng được một từ để yêu cầu rồi, thì cũng chưa cho con ngay thứ con yêu cầu, mà bắt con phải nói được hai từ hay nhiều hơn mới cho, họ không nhận ra rằng thông điệp mà họ đưa cho con trong các trường hợp đó chính là “giao tiếp thật là mệt mỏi, khó chịu”. Và tất nhiên nếu con họ không thật sự cần cái gì đó thì chúng sẽ không giao tiếp. Rất nhiều cha mẹ nói “con em chỉ dùng lời khi bé không thích một cái gì đó”, tức là mỗi lần giao tiếp đều là những trải nghiệm của sự bực tức, thất vọng. Và những trải nghiệm đó chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của trẻ với cha mẹ.


Chúng ta có nhiều cách giúp trẻ kết nối, tốt hơn nhiều so với việc trẻ phải giao tiếp để có được cái nó muốn, đó là hoà mình hay đi vào thế giới của trẻ một cách tự nguyện và chân thành nhất, hoàn toàn chấp nhận những gì trẻ làm, kể cả các hành vi làm chúng ta khó chịu.


Việc con giao tiếp khi muốn yêu cầu cũng là một phần quan trọng của giao tiếp mà chúng ta muốn đẩy mạnh. Tuy nhiên để làm được điều đó chúng ta cần đáp lại các cử chỉ giao tiếp của con ngay lập tức và bằng thái độ vui mừng nhất có thể. Và thật sự, những GIAO TIẾP TỰ NHIÊN xảy ra khi trẻ cảm thấy tương tác thú vị trong các trò chơi với người lớn mới là mục tiêu mà chúng tôi muốn cha mẹ hướng tới, khi trẻ thật sự muốn tương tác xã hội vì thấy nó vui vẻ, dễ dàng và những người lớn thật sự thân thiện, sẵn sàng giúp trẻ giao tiếp.


Hầu hết những người tự kỷ đều nói rằng ra những nơi đông người hoặc quá nhiều kích thích sẽ làm họ căng thẳng và không xử lý thông tin tốt. Đặc biệt là khi trẻ ra ngoài, chúng ta khó có cơ hội để dạy trẻ các kỹ năng giao tiếp mà một môi trường yên tĩnh hay ít kích thích như phòng chơi đem lại. Không khí trong lành, ánh nắng mặt trời và vận động là cần thiết cho sức khoẻ và phát triển vận động cảm giác cho trẻ, nhưng chỉ những điều đó không có thể sẽ không đủ để giúp các bạn tự kỷ phát triển kỹ năng xã hội. Trẻ cần được trải nghiệm những tương tác 1:1 tích cực và vui vẻ để thúc đẩy giao tiếp, bằng lời cũng như không lời.


Hãy tập trung vào hoà mình và làm cho tương tác với con thật vui vẻ, giảm thiểu mọi nguồn căng thẳng cho con, con bạn sẽ giao tiếp bằng lời khi con sẵn sàng.


Hoa Le



101 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page