top of page
  • Writer's pictureHoa Le

GIA ĐÌNH VÀ SỰ THÀNH ĐẠT

Cách đây mười mấy năm rồi, tôi đã đọc một quyển sách của Dr.Phill, ông là nhà tâm lý lâm sàng và rất nổi tiếng ở Mỹ nhờ một loạt show về bệnh tâm thần trên truyền hình, quyển sách có tên “Family First” (Gia đình trên hết). Hôm nay nghe thầy Minh Niệm nói về “thành công và hạnh phúc”, tôi lại nhớ đến quyển sách này. Ở phần đầu quyển sách, tác giả viết:

“Bạn có cảm nhận rằng gia đình bạn không còn như trước đây nữa, hay có khả năng sẽ thay đổi? Bạn có lo rằng những quyết định của bạn hôm nay sẽ làm tổn thương con bạn mãi mãi? Có đôi khi bạn cảm thấy bạn đang chơi trò kéo co với thế giới để xem ai sẽ định hình những giá trị và niềm tin của con bạn không? Ngay từ bây giờ, bạn hãy bắt đầu những chọn lựa thực tiễn và hành động mỗi ngày để làm cho gia đình mình tốt đẹp. Bạn phải quyết định là bạn phải dẫn dắt gia đình mình bằng sức mạnh và tình yêu, bạn sẽ nhận ra rằng sự bình yên và niềm vui không phải chỉ dành cho những người hàng xóm hay chỉ có trên truyền hình, chúng còn dành cho gia đình bạn nữa”.

Trong số những bạn bè của tôi, từ bạn học phổ thông đến bạn thời đại học, và cả những người tôi quen sau này, có rất nhiều người thành đạt, và trong số những người thành đạt đó cũng nhiều người hạnh phúc, tức là họ không cần phải đánh đổi hạnh phúc để thành công. Nhưng cũng có những người chỉ tìm thấy hạnh phúc sau khi từ bỏ sự thành đạt của mình, như câu chuyện trong bài giảng của thầy Minh Niệm:


“John Smith là thương gia danh tiếng. Đang phát đạt, anh hay tin con trai bị chứng hoang tưởng và có nguy cơ tâm thần phân liệt.
Matt là đứa con trai mà anh vô cùng yêu thương và đặt nhiều kỳ vọng bởi tài năng đặc biệt của nó. Tất cả những nỗ lực của anh, sản nghiệp anh đã tích luỹ suốt 10 năm qua là để cho đứa con duy nhất này. Thế mà giờ đây, con anh như trở thành một người khác. Nó thường nhìn anh với ánh mắt ngây dại và lầm bầm vài câu gì đó rất hằn học.
Bác sĩ tâm lý tiết lộ, Matt đã tâm sự rằng ba nó mê tiền, mê công việc hơn thương nó. Matt bị như vậy một phần cũng do cậu chơi điện tử thâu đêm suốt sáng cả chục năm qua. Ba mẹ nó đều bận đi làm kiếm tiền. Theo lời khuyên của bác sĩ tâm lý, cách tốt nhất và duy nhất để cứu con, đó là anh hoặc vợ anh phải dành trọn thời gian để ở bên cạnh và giúp đỡ Matt. Chỉ tình yêu thương mới có thể chữa lành vết thương tâm hồn.
Hồi đầu, John đồng ý để vợ mình nghỉ việc chăm lo cho con. Nhưng nghĩ lại, John biết con trai cần mình hơn, và anh tin nếu đem hết khả năng của mình ra thì chắc chắn con sẽ hồi phục. Anh quyết định trao lại công việc cho cấp dưới, tạm gác hết mọi lo toan để đưa con về sống ở miền quê yên ả - nơi anh đã có tuổi thơ thật dữ dội và đáng nhớ. Sáng nào hai cha con cũng chèo thuyền đi câu tới tối mịt mới về nhà, nhưng không ai nói một lời nào. Thằng bé không muốn nói chuyện, còn John vì muốn con mình thật thoải mái nên cũng không tiện mở lời. Một tháng trôi qua, John và con trai vẫn chèo thuyền đi câu mỗi ngày và vẫn giữ sự im lặng chừng mực. Mỗi khi John nói được một câu khiến con mình mỉm cười, như khi câu được một con cá lớn, người cha vui mừng khôn xiết.
Cho đến một hôm, thằng bé bất ngờ lên tiếng hỏi: "Ba cũng sợ ở gần con nữa, phải không?", anh không kìm được nước mắt. Có nhiều thứ bùng vỡ trong anh. Thực ra, ngay từ khi rời xa những áp lực công việc, thoát khỏi cái vai của một người thành đạt, John mới nhận ra mình không có bao nhiêu hạnh phúc. Giờ anh mới hiểu tại sao mình rất thương vợ con nhưng không thể làm cho họ hạnh phúc. Nhờ quay về giúp con, cũng là cơ hội để quay về giúp chính mình, John mới ngộ ra cách sống và làm việc như thế nào để mình luôn hạnh phúc trong mỗi giây phút trôi qua”.

Tôi khâm phục những bà mẹ ông bố mà tôi may mắn được biết qua công việc, họ đã tạm thời rời bỏ sự nghiệp không hề tầm thường (kỹ sư máy tính, bác sĩ, giáo viên, đại diện công ty nước ngoài…) để ở nhà chăm sóc những đứa con tự kỷ của mình.

Với họ: “GIA ĐÌNH TRÊN HẾT!”

Hoa Le

24 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page