top of page
  • Writer's pictureHoa Le

GÁNH XIẾC NHÀ JÙ

Rất nhiều người đã hỏi chúng tôi, tại sao không lấy một cái tên nào nghiêm túc hay chuyên nghiệp hơn để đặt cho doanh nghiệp xã hội của mình. Kiểu trung tâm can thiệp, hay trung tâm hỗ trợ trẻ đặc biệt… gì đó? Đã có những lúc chúng tôi lung lay và tự hỏi: nếu đổi tên thì có được các phụ huynh trẻ đặc biệt quan tâm nhiều hơn hay không?


Hồi còn ở Hà Nội, nhóm bạn thân của tôi thường hay tụ tập tại nhà tôi. Một trong số các cô bạn của tôi, trước khi đến tụ tập thường hỏi “Tao mang cả gánh xiếc lên nhé?”. Đó là cách gọi thân thương mà bạn tôi dành cho chồng và hai con gái của cô ấy. Hồi trung tâm mới mở chỉ có 3 người (kể cả tôi) và 2 bạn tự kỷ đã lớn, mỗi lần đi ra ngoài ăn trưa có rất nhiều chuyện buồn cười xảy ra trên đường, làm tôi nghĩ đến “gánh xiếc” của bạn tôi.


Ảnh: Những lần đi ăn trưa của chúng tôi khi Gánh Xiếc chưa có tên


Và cái tên Gánh Xiếc đã đến một cách ngẫu nhiên như thế! Sau này, khi được nhiều gia đình ở các tỉnh khác mời đến nhà tập huấn thì chúng tôi đã lấy cái tên “Gánh Xiếc Nhà Jù” nghe cho “di động”.


Đã mấy lần tôi định nói với bạn, rằng mình đã lấy “Gánh Xiếc” đặt tên cho trung tâm mới mở, nhưng không hiểu sao mỗi lần nói chuyện với bạn tôi lại quên điều đó. Cho đến khi bạn tôi hôn mê trong bệnh viện và không bao giờ tỉnh lại nữa, tôi luôn cảm thấy tiếc nuối cho đến tận bây giờ. Từ đó, tôi đã tự hứa với bạn rằng trong khi còn có thể, tôi sẽ làm tất cả để giúp cho các bé và các gia đình tự kỷ ở Việt nam có một cuộc sống tốt đẹp. Và các GXers đang hàng ngày giúp tôi thực hiện lời hứa này một cách không thể tuyệt vời hơn.


Cuộc hành trình hơn ba năm rưỡi của chúng tôi không biết có giống những trung tâm hỗ trợ trẻ đặc biệt khác không, nhưng chắc chắn ở thời điểm bắt đầu, cả tôi và các thành viên không tưởng tượng rằng sẽ có những thay đổi như đã diễn ra ở Gánh Xiếc cho đến giờ. Lúc mới mở, chúng tôi đã nghĩ một cách ngây thơ rằng có thể tự giúp các bạn đặc biệt phát triển mà không cần tới cha mẹ. Rồi khi bắt đầu phát triển các bài học dành cho cha mẹ, thì những bài học này và cách tiếp cận trong phòng chơi của chúng tôi được cập nhật thường xuyên trong vòng ba năm qua. Chúng tôi đã tổng hợp lại và áp dụng rất nhiều những kiến học được từ các khoá học ở nước ngoài, các khoá học online, các khoá học trong nước, từ hàng chục đầu sách chủ yếu là sách tiếng Anh về tự kỷ, tăng động, can thiệp y sinh, rối loạn giác quan, khoa học thần kinh, tâm lý học phát triển, tư vấn tâm lý...


Điều thay đổi lớn mà chúng tôi tâm đắc nhất đó là chúng tôi đã có thể hiểu và chấp nhận các bạn đặc biệt và các gia đình như chính họ. Những gì cộng đồng những người tự kỷ trên thế giới nói đã “đồng hành” với Gánh Xiếc trong từng bài giảng, từng giờ chơi và các buổi tư vấn phụ huynh. Cộng với chúng tôi có kinh nghiệm thực hành từ hơn 20 ngàn giờ chơi với hơn 100 các trường hợp trẻ đặc biệt khác nhau về tuổi, mức độ khó khăn, sở thích, thế mạnh, hoàn cảnh gia đình và vị trí địa lý. Chúng tôi thật sự may mắn!


Hôm nay nghe lại một buổi tư vấn của Gxer với phụ huynh học online, tôi không khỏi tự hào về đội ngũ của mình. Các bạn đã vượt ra khỏi trách nhiệm của một người truyền đạt kiến thức hay chỉ nhiệt tình trả lời các thắc mắc cho phụ huynh. Điều tuyệt vời nhất mà các bạn đã làm được, là đem lại cho phụ huynh niềm hy vọng và tình yêu thương, những giá trị đã và đang được bồi đắp hàng ngày tại Gánh Xiếc.


Có thể cái tên "Gánh Xiếc"' nghe không chuyên nghiệp đối với một số người, nhưng trong lĩnh vực làm việc với con người, tôi tin rằng bạn CHUYÊN NGHIỆP khi bạn THẬT SỰ YÊU THƯƠNG NGƯỜI BẠN MUỐN GIÚP ĐỠ , tức là chấp nhận họ như chính họ và làm những gì tốt nhất cho họ!


Hoa Le

129 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page