top of page
  • Writer's pictureHoa Le

DI TRUYỀN

Ba cậu bé sinh ba gốc Do Thái (identical triplets) ngay từ khi sinh ra được cho làm con nuôi trong ba gia đình khác nhau : một gia đình công nhân bình thường, một gia đình trung lưu và một gia đình giàu có. Sau 19 năm, do ngoại hình giống hệt nhau, họ tình cờ hội ngộ và trở nên nổi tiếng nhờ câu chuyện khác thường của mình. Cả ba cặp cha mẹ nuôi không hề được cho biết về sự tồn tại của những anh em sinh ba còn lại của mỗi cậu.


Ngoài hình thức bên ngoài, những sự trùng lặp về sở thích (màu sắc yêu thích, loại thuốc lá yêu thích, cách nói chuyện, cách họ di chuyển, điệu bộ cử chỉ) cho họ nhiều cơ hội được các báo chí săn đuổi và nhà hàng “sinh ba” của anh em họ đã có những thời gian đầu đem lại rất nhiều lợi nhuận. Những năm tháng đó họ rất vui vẻ cùng nhau, và mỗi người đều có gia đình riêng.


Họ cũng cùng cha mẹ nuôi và cùng nhau đi tìm nguồn gốc của mình, và cuối cùng phát hiện ra một nghiên cứu tâm lý đã cố tình tách họ và ít nhất 11 cặp song sinh khác ngay lúc mới sinh, điều này được thực hiện gián tiếp qua một trung tâm chuyên cung cấp con nuôi ở New York, để nghiên cứu về tác động của di truyền. Nghiên cứu này kéo dài từ năm 1960 đến năm 1980 và tài liệu của nó được lưu trữ tại đại học Yale, đứng đầu là tiến sĩ Peter Neubauer, một bác sĩ tâm thần trẻ em và là giám đốc trung tâm phát triển trẻ em của hội đồng những người đỡ đầu người Do Thái ở Manhattan, nhưng vì một lý do nào đó các tài liệu đã được niêm phong và ghi bên ngoài là chỉ được mở vào năm 2066. Ông Peter đã mất năm 2008, và nghiên cứu này chưa bao giờ được công bố, chắc là vì tính thiếu đạo đức của nó, tuy nhiên trợ lý của ông đã nói với báo chí rằng vào những năm 1960 người ta đã không nghĩ như vậy.


Sau một thời gian cùng hưởng thụ sự nổi tiếng và làm ăn chung, họ bắt đầu có những mâu thuẫn trong mối quan hệ, người được nuôi trong gia đình khá giả bỏ công việc và các anh em của mình. Người sống trong gia đình trung lưu, có ông bố nuôi lạnh lùng luôn kỷ luật con theo kiểu quân đội, đã tự tử vì bệnh thần kinh, chỉ có người còn lại, người có một ông bố tuyệt vời, dành nhiều năm tìm cách để theo đuổi nghiên cứu trên và cố gắng hàn gắn mối quan hệ của họ. Những người vợ của ba anh em đều nói rằng thật sự tính cách của họ rất khác nhau.


Những ai học tâm lý chắc sẽ phải đọc rất nhiều các nghiên cứu về anh em sinh đôi, và khoa học vẫn dùng kết quả của các nghiên cứu đó để kết luận về tác động của di truyền đến đối tượng nghiên cứu của họ, mặc dù ai cũng biết rằng các yếu tố môi trường luôn hiện diện và ảnh hưởng rất nhiều trong các nghiên cứu sinh đôi.


Có thể đó chính là lý do ông Neubauer đã bắt đầu cái nghiên cứu được cho là thiếu tính đạo đức này, với mục đích chứng minh xem con người có thể làm được gì tác động đến cuộc sống của mình không, hay mọi thứ đều đã “an bài” khi chúng ta được sinh ra. Vẫn là câu hỏi muôn thủa “nature or nurture” (di truyền hay sự nuôi dưỡng).


Tôi nhớ đến lời giải thích của bác sĩ Gabor Mate, trong bài giảng của ông về rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD: những người ADHD thường căng thẳng, có lượng hóc môn căng thẳng rất cao, và khi có con, con của họ cảm nhận được sự thiếu an toàn từ cha mẹ, chúng cũng trở nên căng thẳng. Và chúng bắt đầu mất tập trung, có các hành vi bốc đồng và lại được chẩn đoán ADHD, và chúng ta kết luận chúng bị ADHD do di truyền.


Điều may mắn là khoa học hiện nay đã chuyển sang hướng nghiên cứu về epigenetics (ngoại di truyền), những gì xảy ra trong môi trường có thể điều hoà việc đóng hay mở những gen đã có sẵn khi chúng ta được sinh ra. Giống như kết thúc của bộ phim tài liệu về câu chuyện ba anh em sinh ba nói trên: ”cả tự nhiên/di truyền và sự nuôi dưỡng đều quan trọng, nhưng sự nuôi dưỡng có thể vượt qua tất cả”.


Hoa Le

Recent Posts

See All

コメント


bottom of page