top of page
  • Writer's pictureHoa Le

ĐI HỌC HAY Ở NHÀ

Hầu hết các cha mẹ chẳng bao giờ phải lo lắng đến điều này, ngoại trừ các cha mẹ của trẻ có rối loạn phát triển, và tôi thường phải suy nghĩ rất nhiều mỗi khi cha mẹ hỏi câu hỏi này. Cũng như họ, tôi rất muốn các bé tự kỷ được đi học cùng với những trẻ bình thường, nhưng tôi biết phần lớn các trường học ở Việt nam không có các nguồn lực, nhận thức cần thiết để hỗ trợ đầy đủ cho các bé.


Bill Nason, tác giả của loạt sách “Autism Discussion Page”, ba trong số 75 cuốn sách đáng đọc nhất về tự kỷ theo Bookauthority, nói:

“Nếu trẻ không cảm thấy AN TOÀN, ĐƯỢC CHẤP NHẬN VÀ CÓ NĂNG LỰC trong lớp học, trẻ sẽ thu mình lại và khép kín, hoặc có thể bùng nổ. Cũng có thể trẻ sẽ thường xuyên khép kín ở lớp và về đến nhà sẽ bùng nổ.”

Tony Attwood, tiến sĩ tâm lý nổi tiếng về nghiên cứu trẻ tự kỷ chức năng cao cho rằng:

“Trẻ tự kỷ ở trường phải làm việc nặng gấp 2 lần trẻ bình thường, vì trẻ vừa phải học các môn học và phải học xã hội, hiểu được cử chỉ điệu bộ của giáo viên và của bạn bè. Và còn phải cố gắng đối phó với sự nhạy cảm của các giác quan, với rủi ro của việc bị bắt nạt và trêu chọc, cuối buổi học thì chúng rất căng thẳng”.

Trong khi chúng ta thấy việc không cho trẻ đi học ở trường thật khó tưởng tượng, chúng ta lại ít thấy những “tác dụng phụ” của trường học với trẻ. Trường học, ở đây tôi muốn nói về các trường học bình thường, là những nơi có quá nhiều kích thích, trẻ của chúng ta khó có thể lọc được chúng, và mọi thứ trẻ nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy, ngửi thấy, cảm giác trên cơ thể đều là thử thách với trẻ, dẫn đến sự quá tải triền miên. Khi trẻ ở trong trạng thái đó, bạn khó có thể dạy trẻ các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng tương tác hay giao tiếp xã hội, các thách thức chính của tự kỷ. Trẻ sẽ quá bận bịu để đối phó với các kích thích quá sức chịu đựng của mình, cơ thể dễ dàng rơi vào trạng thái chạy trốn, chống trả hoặc đóng băng, kể cả hệ tiêu hoá cũng bị ảnh hưởng.


Đó không phải lỗi của các trường học, vì nó để dành cho những học sinh khác với trẻ của chúng ta. Một điều nữa, khi chúng ta đem trẻ tới trường trong lúc trẻ chưa sẵn sàng, trẻ sẽ có những trải nghiệm không thành công, không dễ chịu, một phần vì trẻ không xử lý được thông tin, một phần có thể vì không được các bạn đối xử tốt, cũng có thể do giáo viên không biết cách tiếp cận với trẻ. Chúng ta làm sao có thể dạy trẻ tương tác xã hội nếu trẻ đang trải nghiệm sự khó chịu và thất bại trong quan hệ với mọi người?


Tất nhiên là chúng ta muốn trẻ được đi học và thích đi học, tuy nhiên chúng ta cần trẻ được cảm thấy AN TOÀN, ĐƯỢC CHẤP NHẬN VÀ CÓ NĂNG LỰC khi ở trường. Chúng ta muốn trẻ có nhiều bạn và có những trải nghiệm thú vị.


Bạn hãy bỏ ra ít nhất một tuần để quan sát con mình trong trường học, xem trường có phải là một môi trường tốt, có ích cho con không. Nếu bạn cho con đi học, hãy thật tích cực theo dõi quá trình học của con, hãy trở thành đối tác với các giáo viên và giúp họ, và khi con về nhà hãy làm mọi thứ để giúp con thư giãn.


Tôi đã thấy nhiều cha mẹ, trong đó có một số cha mẹ ở Việt nam, áp dụng chương trình học ở nhà (HOMESCHOOLING) cho con tự kỷ rất hiệu quả. Chúng ta muốn trẻ phải sẵn sàng về tinh thần và thể chất khi tiếp nhận các bài học, đôi khi trẻ sẵn sàng và ở trong một tâm trạng tốt ngay trong những giờ đầu tiên của buổi sáng, những lần khác có thể cha mẹ sẽ phải chờ lâu sau khi ăn sáng mới có được sự hợp tác của trẻ.


Cha mẹ là những người nhận thức đúng nhất được tâm trạng của trẻ vào mỗi thời điểm trong ngày. Sẽ không có chuyên gia nào có được kiến thức sâu sắc mà cha mẹ có về con họ và đó chắc chắn là một trong những thành phần chính của sự thành công của các chương trình học ở nhà.

“Chúng tôi đã chứng kiến năm này qua năm khác rằng SỰ CAM KẾT VÀ TÌNH YÊU DỊU DÀNG CỦA CHA MẸ quan trọng hơn cả quá trình điều trị”- Claudie Gordon-Pomares, tác giả cuốn “Tự kỷ không phải là án tử hình”.

Hoa Le

34 views0 comments

Recent Posts

See All

コメント


bottom of page